Cao tốc Bắc Nam: bỏ nỗi sợ Trung Quốc thì làm như thế nào?
Cao tốc Bắc Nam có lẽ là một trường hợp điển hình của những câu chuyện dài kỳ khó chấm dứt ở Việt Nam. Từ khi nhen nhóm ý tưởng đến giai đoạn chuẩn bị thực hiện hay thậm chí là quá trình thi công và hoàn thiện trong tương lai, thật khó để dự án này thoát khỏi sự chú tâm đặc biệt của “dư luận”.
Phải đặt từ dư luận trong ngoặc kép bởi không chỉ người dân quan tâm, chú ý một, mà còn cả hàng loạt thành phần khác chú ý, lợi dụng sự việc để xuyên tạc gấp mười. Không khó để bắt gặp những bài viết, nguồn tin bịa đặt rằng làm cao tốc Bắc Nam để Trung Quốc xâm lược, làm cao tốc Bắc Nam vì phụ thuộc Trung Quốc,… Còn cả hàng tá những chuyện ly kỳ về chính trị khá hài hước cũng được người ta tưởng tượng ra với nhiều mục đích.
Vấn đề là ít nhiều những “dư luận” kiểu này lại tác động mạnh đến dư luận xã hội. Đi kèm theo đó có thể là các nguy cơ xảy ra liên quan đến an ninh trật tự. Chưa biết quá trình xây dựng cao tốc Bắc Nam sẽ ra sao, nhưng ngay ở thời điểm hiện tại thì đã có nhiều bất ổn như thế.
Hai từ “Trung Quốc”
Dân trí hiện nay cũng cao hơn nhiều nên hầu như ai ai cũng hiểu được giá trị của tuyến cao tốc Bắc – Nam. Đã không còn ý kiến bác bỏ xây dựng cao tốc Bắc Nam, thay vào đó chỉ tồn tại những băn khoăn về vốn và nhà thầu. Nổi cộm nhất vẫn là mong muốn “cấm cửa” tuyệt đối với nhà thầu Trung Quốc. Trên thực tế, dư luận không chỉ phản đối các nhà thầu Trung Quốc ở các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, mà còn ở các dự án về công nghệ, viễn thông, du lịch. Nhiều ý kiến vui đùa rằng người dân Việt Nam đang mang trên mình nỗi ám ảnh mang tên Trung Quốc. Đơn giản thôi, những đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sân vận động Mỹ Đình, du lịch không đồng,… đều chỉ mang lại chung kết quả đội vốn, chậm tiến độ nhưng lạc hậu và nhanh xuống cấp. Thật khó để có lòng tin với các nhà thầu Trung Quốc một lần nữa.
Với cao tốc Bắc Nam – một siêu dự án của quốc gia thì nỗi lo “Trung Quốc” lại càng hiện hữu nhiều hơn với dư luận. Đội vốn lần này thì chẳng khác nào rơi vào cái bẫy nợ; cao tốc lớn mà nhanh xuống cấp thì dùng được gì;… Cho đến cả những vấn đề về cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia. Tất cả đều khẳng định rằng nỗi lo của người dân hoàn toàn không vô lý.
Dù vậy, nếu chỉ vì nỗi lo mà bị cuốn theo những câu chuyện bịa đặt hoặc đưa ra tư tưởng bài trừ thì cũng không xong. Nghĩ đơn giản thôi, cấm được Trung Quốc tham gia hay không khi chọn thầu là công khai và công bằng giữa các quốc gia? Đặt giả thuyết, nếu cấm Trung Quốc tham gia dự thầu thì quan hệ ngoại giao về kinh tế giữa hai quốc gia sẽ thế nào? Hay là thế này, Việt Nam cấm Trung Quốc tham gia các dự án đấu thầu, và ngược lại Trung Quốc cấm cửa nông sản Việt. Nghĩ đi rồi thấy ngay luôn thôi à.
Tiện cũng nói về những nguồn thông tin bài trừ Trung Quốc trên mạng Internet bằng những câu chuyện tự vẽ ra mang đặc màu sắc chính trị hoang tưởng. Việc bài trừ Trung Quốc kiểu như thế dễ thu hút sự quan tâm của người dân lắm. Nhưng, nó chẳng khác nào viên thuốc độc bọc đường, người dân mà tin theo thì coi như tự tạo cho mình đường chết về kinh tế nông nghiệp. Mình bài trừ Trung Quốc, thì họ vốn dĩ cũng bài trừ được mình đấy.
Muôn đời nhắc lại cơ chế quản lý
Nói thẳng, cao tốc Bắc Nam nhà thầu nào làm thì cũng sợ cả. Quan trọng là quản lý nhà thầu, quản lý dự án như thế nào!
Dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội do nhà thầu Hàn Quốc – Italy thực hiện cũng chậm tiến độ, đội vốn và cộng thêm cả việc nhà thầu kiện đòi bồi thường vì chậm giao mặt bằng. Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên do nhà thầu Nhật Bản đảm nhiệm cũng chậm, đội vốn hơn cả Cát Linh – Hà Đông, thậm chí còn có nguy cơ “phá sản”… Bấy nhiêu thôi đã đủ bằng chứng tố cáo rằng cơ chế quản lý mới là thứ yếu kém, chứ không phải nhà thầu.
Yếu kém trong bảo đảm cơ chế pháp lý giữa nhà thầu với cơ quan kiểm soát của Nhà nước, yếu kém trong hoạch định kế hoạch, yếu kém về tài chính, hay cả yếu kém về dân trí… Cao tốc Bắc Nam chưa làm nhưng trải dài từ Bắc chí Nam đã có hàng loạt hộ dân dựng thêm các công trình mới chờ đền bù. Tính khôn lỏi này vẫn tồn tại trong cộng đồng mãi thôi chưa hết. Cứ dự án nào Nhà nước làm họ cũng kêu tốn kém, nhưng lại sẵn sàng chờ được đền bù để bỏ tiền ngân sách vào túi riêng của mình. Quan đã kém mà dân còn tham. Nghịch lý vô cùng.
Chính sự yếu kém trong quản lý như thế đã tạo ra những thiệt hại trong các dự án trước đây. Và nó cũng trở thành tiền đề cho nỗi lo sợ đội vốn, chậm tiến độ từ người dân.
Trung Quốc ư? Mỹ dùng cả 1,3 tỷ đô cho dự án tàu điện ngầm dùng tàu điện của Trung Quốc mà không sợ. Vì Mỹ chỉ coi Trung Quốc như một công xưởng lớn cung cấp các sản phẩm theo tiêu chuẩn mà Mỹ đặt ra. Vậy, Việt Nam cũng đã đến lúc tự đặt ra tiêu chuẩn để chủ động quản lý hết được nỗi lo Trung Quốc như cách Mỹ hay các quốc gia phát triển khác đang làm.
Cao tốc Bắc Nam, nếu có do nhà thầu Trung Quốc hay quốc gia nào đó thực hiện, thì chất lượng, chi phí cũng đều là do người Việt quyết định cả. Hãy bỏ qua nỗi sợ và phải tự nhận thức mình đang ở vị trí của “ông chủ”. Có nhận thức như thế thì tư duy quản lý mới có thể thay đổi, thay đổi để tốt hơn, hoàn thiện hơn. Không chỉ là các cơ quan Nhà nước mà cả dư luận phải hiểu và làm được như thế!
(Theo ButDanh.net)