Bộ trưởng nghĩ sao khi hơn 5 lần nhận khuyết điểm và trách nhiệm ở phiên chất vấn

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngày 7/11, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ một thông tin khá lạ. “Theo dõi phiên trả lời của Bộ trưởng, tôi tính khoảng trên 5 lần Bộ trưởng nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, đặt tâm thế của một tư lệnh ngành về quản lý nhà nước hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nội vụ”, ĐB Phạm Minh Hiền tin đó là lời nhận khuyết điểm chân thành.

Bộ trưởng hơn 5 lần nhận khuyết điểm và trách nhiệm ở phiên chất vấn
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm, đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng

Điểm qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thì thấy ĐB Hiền đếm không sai.

Lần thứ nhất, Bộ trưởng Nội vụ “xin nhận khuyết điểm” về chuyện thi xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức. Ông không ngại nói thẳng ra: “Tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng chứng chỉ, không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà quy trình bổ nhiệm của mình phải có bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, tôi thấy nhiều quá”.

Dù những rắc rối này được quy định từ năm 1993 đến bây giờ, hai mươi mấy năm  Bộ trưởng cầu thị nhận khuyết điểm và nhấn mạnh “phải sửa”, “chúng tôi cam kết với QH năm 2020 sẽ sửa ngay”.

Lần thứ 2, ông Tân nhắc đến từ khuyết điểm là khi trả lời ĐB về vấn đề xây dựng vị trí việc làm.

Theo lời Bộ trưởng, đây là một vấn đề rất quan trọng và Bộ Nội vụ cũng đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Ông Lê Vĩnh Tân nói lý do “từ năm 2015 cho đến tháng 8/2016 Bộ Nội vụ chưa phê duyệt được 1 đề án vị trí việc làm nào đối với các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Việc này sau đó đã được phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh, đến nay các địa phương và bộ, ngành làm rất tốt.

Lần thứ 3, Bộ trưởng Nội vụ đã thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ “xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng” về quyết định 402 (Phê duyệt đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới).

Đây là một quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ mà đến nay còn 4 nhiệm vụ chưa làm.

“Tôi xin báo cáo với Thủ tướng là tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ và trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói trước QH “khuyết điểm này phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn”.

Lần thứ 4, Bộ trưởng Nội vụ nhắc dến cụm từ “xin nhận khuyết điểm” là khi trả lời ĐB về Nghị định 34 liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã.

“Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước QH khi nghị định này đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng thông tư vẫn chưa ban hành. Chiều ngày hôm qua tôi đã ký thông tư này trước khi chất vấn”…

Chuyện 1 tư lệnh ngành nhận khuyết điểm, trách nhiệm trước QH xưa nay không phải ít nhưng nhận đi, nhận lại đến hơn 5 lần như ĐB Phạm Minh Hiền đếm có thể nói là hiếm.

Chuyện này không chỉ hiếm mà còn khó bởi đây là lĩnh vực vốn dĩ được cho là nhạy cảm, liên quan đến nồi cơm, manh áo của hàng trăm ngàn công chức, hàng triệu viên chức; chưa kể còn động chạm đến ghế ông nọ, bà kia và là câu chuyện của cả hệ thống chính trị.

Thế nhưng tư lệnh ngành Nội vụ đã cầu thị nhận khuyết điểm, trách nhiệm nhiều lần và dũng cảm cam kết sửa chữa ngay.

Bộ trưởng hơn 5 lần nhận khuyết điểm và trách nhiệm ở phiên chất vấn
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh TânQuả đúng như tâm tư của nữ ĐB 7X: “Nhiều quy định tạo ra lỗ hổng, kẽ hở về mặt pháp lý”.

Và như bà Hiền nói, tâm thế của 1 ĐBQH đến với nghị trường mang theo rất nhiều tâm tư của cử tri, trong đó có cử tri công chức, viên chức, có giáo viên… hiện đang rất tâm tư, rất băn khoăn, lo lắng trước những sự thay đổi, trước những nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện liên tục các chính sách liên quan.

Và ĐB cũng không mong muốn gì hơn là Bộ trưởng thẳng thắn có những đánh giá liên quan đến lực lượng, đội ngũ cán bộ tham mưu về chính sách, về xây dựng pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành nội vụ hiện nay để cử tri bớt lo âu.

VNN