Bằng chứng tố cáo Trung Quốc muốn nuốt trọn tỉnh Quảng Ninh
Quả địa cầu do công ty Ukraine sản xuất đưa Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn và nhiều tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc đang gây ra làn sóng phẫn nộ.
Trên quả địa cầu này, bản đồ của Việt Nam đã bị phần bản đồ tiệp màu với lãnh thổ Trung Quốc lấn vào hầu như toàn bộ vùng Đông Bắc. Các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, sâu hơn vào lãnh thổ như Thái Nguyên, Bắc Giang cũng hoàn toàn biến mất, thay vào đó là ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trên quả địa cầu này hoàn toàn không có hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Theo tìm hiểu của VTC News, quả địa cầu có xuất xứ từ Ukraine, được rao bán trên một trang web mua hàng trực tuyến của nước này. Những thông tin về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quả địa cầu này đã bị nhà sản xuất cung cấp hoàn toàn sai lệch.
Công ty sản xuất và phân phối những quả địa cầu này có tên ГЛОБУС ПЛЮС (Globus Plus). Địa chỉ pháp lý được công ty Globus Plus đăng ký ở Ukraine 61089, Thành phố Kharkov, Phố Yakira (61089 Украина, Харьковская область, Харьков, ул. Якира).
Điện thoại liên hệ: +38097700-02-10/+38099799-95-00.E-mail: [email protected]
Địa chỉ web của Globus Plus: https://globusplus.com.ua/
Trong phần giới thiệu về công ty, công ty này chuyên sản xuất, bán và phân phối sản phẩm văn phòng, thiết bị, đồ dùng và trang phục học sinh. Dưới từng sản phẩm đều ghi chú rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.
Trên trang web bán hàng của công ty Globus Plus hiện đang đăng tải thông tin và rao bán ở chế độ mua và thanh toán điện tử với số lượng không giới hạn các quả địa cầu dạng để bàn với kích thước từ 160 mm đến 260 mm với giá niêm yết từ 63 đến 175 Hryvnia (tương đương từ 56.700 đến 152.700 VNĐ).
Thông tin bên dưới mỗi quả địa cầu này được ghi chú: Nước sản xuất: Ukraina. Loại bản đồ : Chính trị. Định dạng: Để bàn. Bề mặt: Nhẵn. Chất liệu: Nhựa.
Để làm rõ hơn việc công ty Globus Plus của Ukraine sản xuất và phân phối sản phẩm quả địa cầu chính trị với những thông tin sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, VTC News rất mong được độc giả đang sinh sống và làm việc tại Ukraine cung cấp thêm thông tin để toà soạn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm vụ việc và đòi hỏi một câu trả lời thoả đáng từ công ty Ukraine.
Email toà soạn: [email protected]
Dựa vào những danh mục sản phẩm và ý kiến phản hồi của các khách hàng trên trang web bán hàng trực tuyến, cho thấy Globus Plus là một công ty sản xuất văn phòng phẩm khá được lòng người tiêu dùng ở Ukraine từ chất lượng sản phẩm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là trong phần phản hồi ý kiến của khách hàng, không xuất hiện ý kiến nào phản ánh về việc công ty này in ấn và phát hành sai lệch thông tin trong quả địa cầu nói trên.
Tìm kiếm các bài báo bằng tiếng địa phương và tiếng Nga phản ánh Globus Plus cung cấp thông tin sai lệch trên của địa cầu về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia Việt Nam cũng không nhận được bất cứ kết quả nào.
Cần phải đặt ra câu hỏi: Bao nhiêu quả địa cầu với thông tin bị bóp méo, sai lệch như trên đã đến tay các em học sinh ở Ukraine (hoặc các nước khác)? Vậy nhà chức trách Ukraine và các cơ quan quản lý hoạt động sản xuất của Globus Plus đã biết về sự việc? Cho đến ngày 24/8/2018 trên trang web https://globusplus.com.ua/ sản phẩm vẫn tiếp tục được bán với số lượng không giới hạn và ở trong tình trạng “còn hàng” được thông báo từ nhà sản xuất.
Với một quả địa cầu được sản xuất cẩu thả và vô trách nhiệm như vậy, thử hỏi nhà sản xuất từ Ukraine này có hình dung nổi họ đang khiến bao nhiêu trẻ em (và người tiêu dùng Ukraine nói chung) có nhận thức sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam? Có bao nhiêu trường học đang “vô tình” phải sử dụng quả địa cầu này để hàng ngày giáo dục các em học sinh về bản đồ chính trị thế giới?
Ngoài những hệ quả trước mắt, việc công ty Globus Plus tiếp tục sản xuất, bán và phân phối quả địa cầu với những thông tin sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam như vậy sẽ dẫn đến những hiểu lầm rất nguy hiểm về chủ quyền Việt Nam trong dư luận thế giới. Điều này còn có thể dẫn tới giảm sút niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với Ukraine.
(Theo VTC)