Một tiếng nói thay cho triệu con tim yêu nước!
Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông được cho là “chuyện muôn năm cũ”, để lại nhiều bức xúc trong lòng nhân dân. Nhưng, “sự kiện Bãi Tư Chính” lần này cho thấy mọi thứ đã khác xưa khi đích thân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chính thức lên tiếng phản đối, chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Việc này đã và đang để lại những cảm xúc trái chiều cho dư luận trong nước và quốc tế.
Lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao chính thức lên tiếng về Biển Đông
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan (AMM-52), chiều 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu Hải Dương Địa chất 8 (HD-8) của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống,… xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Cũng trong khuôn khổ AMM-52, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, tại đây người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam đã nói thẳng nhưng khôn khéo việc Bắc Kinh vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo ông Phạm Bình Minh: “Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC”.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Như vậy, đã có một bước tiến trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền đất nước trong những tranh chấp ở Biển Đông. Đó là chúng ta đi từ dè dặt, chung chung, đến thái độ và lời nói mạnh mẽ hơn, rõ ràng, nhưng vẫn tỏ ra mềm dẻo.
Trung Quốc tự quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Mới đây, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, hồi tháng 5, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông. Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này.
“Những diễn biến này cho thấy Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn việc khai thác dầu khí đơn phương của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào trong yêu sách ‘đường 9 đoạn’”, giám đốc AMTI Gregory Poling nói. “Đường 9 đoạn” là yêu sách chủ quyền phi pháp Trung Quốc đơn phương vạch ra, bao trùm khoảng 90% diện tích Biển Đông. Yêu sách bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ năm 2016, tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 nhấn mạnh “hành động lặp đi lặp lại” của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi đe dọa an ninh năng lượng khu vực. Đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel ngày 26/7 kêu gọi Trung Quốc rút tàu và chấm dứt hành vi bắt nạt, vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Lần đầu tiên nước Nhật cũng lên tiếng về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. “Chính phủ Nhật Bản mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông” – Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố.
Vậy là, những hành động ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua luôn được nước này khẳng định không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, sẽ giải quyết song phương với những nước tranh chấp. Nhưng chính nước này đã tự quốc tế hóa thông qua sự bành trướng, tham vọng của mình trên Biển Đông. Và sự lên tiếng của dư luận quốc tế, trong đó có Mỹ, Nhật…âu cũng là lẽ đương nhiên.
Triệu triệu dân vui vì “tiếng nói” của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Trước đây, một vụ đối đầu căng thẳng khác vào năm 2014 liên quan đến một giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải phía tây bắc Hoàng Sa của Viêt Nam, gây nên một số cuộc biểu tình lớn của nhân dân trên nhiều tỉnh thành cả nước.
Hay như thời gian gần đây, TQ cũng tăng cường xây dựng đường băng dài khoảng 3.000m trên đá Chữ Thập, cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam…
Những hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Vì vậy, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nước ta và dư luận thế giới.
“Sự kiện Bãi Tư Chính” trong thời qua cũng “ồn ào” không kém, bởi TQ đã có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Hành động của HD-8 tại vùng biển Việt Nam tuân theo một mô hình quen thuộc mà Trung Quốc đã và đang thực hiện nhằm cản trở các nước tiến hành hoạt động thăm dò, khai khác dầu khí ở Biển Đông nhằm phục vụ tham vọng “độc chiếm” vùng biển này.
Nực cười và bức xúc ở chỗ, theo cách “vừa ăn cướp vừa la làng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, tại cuộc họp báo hôm 17/7 vừa qua, yêu cầu Việt Nam “nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình”.
Trước những sự việc xâm phạm chủ quyền trắng trợn đó, dư luận trong nước và quốc tế đã thấy được sự thay đổi nhất định trong công tác đấu tranh vì chủ quyền biển đảo của các nhà chức trách nước nhà.
Cụ thể, trước đây chúng ta chỉ lên tiếng một cách dè dặt thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Từ người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện tại Lê Thị Thu Hằng cho đến những người tiền nhiệm, từng tránh né không dám tố cáo đích danh tàu Trung quốc đâm chìm tàu đánh bắt cá và sát hại ngư dân Việt Nam, xâm phạm chủ quyền,… mà chỉ gọi là “Tàu lạ”.
Những lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao khiến người dân gần như thuộc lòng: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS, pháp luật Việt Nam.”
Còn bây giờ, “sự kiện Bãi Tư Chính”, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cùng với những phát ngôn của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong khuôn khổ AMM-52 tại Thái Lan,… được các chuyên gia quốc tế đánh giá là hiếm hoi trong những phản ứng chính thức của Việt Nam, phần nào cho thấy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng cũng không kém phần mềm dẻo của chúng ta.
Đúng là, trong mỗi người con đất Việt, hẳn ai cũng thấy cực kỳ khó chịu, phẫn nộ và cảm thấy đau thắt tim mỗi khi lãnh hải, chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm và thật sự lo lắng cho các chiến sĩ ngoài hải đảo. Tuy nhiên, phải làm cách nào để cho người bạn hàng xóm “khổng lồ” hiểu được và tôn trọng chủ quyền Biển Đông của dân tộc Việt Nam là vấn đề không dễ dàng.
Chính vì thế, triệu triệu người dân Việt Nam rất vui mừng vì tiếng nói của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, tiếng nói chính thức phản đối Trung Quốc trước cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á và các nước thế giới.
Theo Bút danh