Một hình ảnh, nghìn lời nói, triệu cách nghĩ, đâu là trắng đen?

Trong những ngày qua, chuyện chùa Ba Vàng ( Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức những nghi lễ không nằm trong danh mục hoạt động tôn giáo cùng với việc mê tín, dị đoan, biến tướng tâm linh đã trở thành đề tài được cả xã hội quan tâm. 

Đáng lý, một vấn đề xã hội nóng bỏng như thế nổi lên thì phải được phân tích, mổ xẻ cụ thể nhằm lên án đúng cái sai, người làm sai… Nhưng không, câu chuyện nóng ấy lại được người ta dùng để thêu dệt nên những câu chuyện gây hoang mang thêm cho dư luận.

Nhiều đối tượng dùng hình ảnh bắt tay bình thường để xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo

Trên mạng xã hội facebook, rất nhiều trang fanpage, trang tài khoản cá nhân đã đăng tải, chia sẻ về hình ảnh được cho là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay với đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. Kèm theo đó, những câu hỏi “lửng lơ” không biết “vô tình hay hữu ý” cũng được đính kèm theo như: “Ai chống lưng cho chùa Ba Vàng”, “Lãnh đạo nhà nước có cổ suý cho mê tín dị đoan?”…

Dễ đoán, dưới những bài viết như vậy, hàng nghìn lượt bình luận được đăng tải với đủ các lời lẽ chỉ trích, công kích đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Có cả những phán xét như lời buộc tội của cư dân mạng dành cho Thủ tướng mà chẳng cần biết bức ảnh là thật hay giả, chụp từ bao giờ, có biết rõ sự tình không,…

Vậy đấy, như cách đổ thêm xăng vào lửa, chuyện chùa Ba Vàng đã nóng nay còn lan rộng và tiếp tục gây thêm nhiều dư luận. Chuyện như thế có đáng hay không?

Trắng – đen rõ ràng!

Còn nhớ, ngay sau khi tờ báo Lao động đăng tải những video chân thực về chuyện chùa Ba Vàng tiến hành các hoạt động tuyên truyền “oan gia trái chủ” nhằm mục đích thu tiền, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương gồm Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch; Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Uỷ ban nhân dân thành phố Uông Bí,… đã liên tục có những công văn hoả tốc để chỉ đạo các lực lượng xử lý vấn đề. Đến nay, chùa Ba Vàng đã phải chấm dứt hoạt động “thỉnh vong báo oán”, cúng “oan gia trái chủ”; các cá nhân có liên quan cũng đang bị xem xét điều tra.

Về mặt pháp lý, có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo hay tuyên truyền mê tín dị đoan hay không, cơ quan Công an sẽ có trách nhiệm điều tra và Toà án mới là cơ quan chức năng có quyền phán tội. Tất cả chúng ta phải chờ đợi để pháp luật được thực thi.

Về phía cộng đồng, bài học đặt ra là tại sao lên chùa lại luôn mang theo “lòng tham”? Trước khi lên chùa người ta sớm đã muốn đi chùa là phải cầu được sức khoẻ, cầu được tiền tài, cầu được danh lợi,… Từ cái lòng tham như thế nên mới dễ dàng tin theo những câu chuyện mê tín thiếu thực tế.

Nếu đi chùa mà như thế thì cái nét đẹp tâm linh đã không còn, người ta đâu còn hướng đến cái “chân, thiện, mỹ” bằng sự thành tâm nữa? Đáng để cả xã hội phải soi xét lại lắm chứ.

Và còn đó cả những vấn đề về cơ chế quản lý. Chùa Ba Vàng từ một “chấm nhỏ” trên bản đồ hơn chục năm trước nay bỗng hoá ngôi chùa có chính điện lớn nhất thế giới; đất rừng được bỏ đi để xây chùa mà không thu được đồng thuế; dùng tâm linh để thương mại hoá;… Rõ ràng, bài học về quản lý quy hoạch đất đai, bài học về quản lý phát triển đang hiện hữu. Các cơ quan có liên quan sẽ làm gì để giải những bài toán ấy.

Với tư cách là một công dân chúng ta cần lên án những cái sai như vậy, vì sức mạnh của dù chỉ là một cá nhân đối với vấn đề nóng đang xảy ra cũng thực sự cần thiết. Nhưng, cũng cần hiểu, nó chỉ cần thiết khi “trắng – đen rõ ràng”!

Nhìn xem, cái sai có cả về mặt pháp lý, về mặt xã hội hay mặt công tác quản lý. Thấy sai ở đâu, sai như thế nào, ngoài việc lên án, ngoài việc chỉ trích thì chính mỗi người chúng ta lại cần phải thực hiện trách nhiệm của mình. Chúng ta làm gì để chính bản thân và xung quanh mình không còn mê tín, dị đoan; chúng ta làm gì để giúp cơ quan điều tra củng cố hồ sơ, chứng cứ xử lý cá nhân người vi phạm; chúng ta kiến nghị, góp ý như thế nào để cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế quản lý, thực hiện đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao…?

Những cái sai đang hiện hữu chỉ có vậy, những điều tích cực nên làm chỉ có thế. Tuyệt nhiên, nó hoàn toàn trái ngược với cách mà một số đang thêu dệt nên những điều tưởng chừng vô lý khác.

Những kẻ đã cũ và thủ đoạn không mới!

Không phải ngẫu nhiên mà bức ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nắm tay sư trụ trì chùa Ba Vàng được chia sẻ “đúng lúc” đến như thế. Nói thẳng, đều do các “chuyên trang” hay đả kích lãnh đạo, chống đối Nhà nước đăng tải. Xin thưa là hễ cứ có vấn đề gì nóng là y như rằng người ta phải “lôi kéo” một hay vài vị lãnh đạo vào câu chuyện để thêu dệt những điều vô lý.

Về bức ảnh Thủ tướng nắm tay sư trụ trì chùa Ba Vàng, đây là hình ảnh được chụp từ khoảng năm 2012, khi ấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đang giữ chức vụ Phó Thủ tướng. Thời gian ấy, đương nhiên chùa Ba Vàng cũng chưa “to” như bây giờ, và chẳng ai biết họ có hoạt đọng cúng “oan gia trái chủ” hay không? Vậy, hà cớ gì mà nói Thủ tướng chống lưng hay bao che chỉ vì một cái bắt tay. Trời ơi, cứ lên mạng mà tìm kiếm thì hình ảnh Thủ tướng bắt tay những người đứng đầu các cơ sở tôn giáo như công giáo, tin lành, phật giáo,… là chuyện quá đỗi bình thường! Xem ra, Thủ tướng đang chống lưng cho tất cả các tôn giáo hoạt động?

Nhìn lại vấn đề, trước đây, khi một ngôi chùa, nhà thờ nào đó được yêu cầu thực hiện các quy định về đất đai thì cũng những nhân vật đã cũ như trên liên tục nói rằng chính quyền đàn áp tôn giáo? Nay, gặp câu chuyện nóng như ở chùa Ba Vàng thì họ lại nói các cán bộ Nhà nước chống lưng.

Thôi thì trò cũ soạn lại, lưỡi không xương trăm đường lắt léo… Dư luận rồi cũng sẽ sớm tỉnh táo trước những thứ như thế này!

(Theo Butdanh.net)