Chống Covid-19: Thận trọng như Sài Gòn, quyết liệt như Đà Nẵng

Đến nay, phải thừa nhận nỗ lực của chính quyền Trung ương và bám sát diễn biến Covid-19 của một số tỉnh thành.

Thận trọng đúng đắn như Sài Gòn

Từ rất sớm, chính quyền Tp Hồ Chí Minh ý thức được sự phức tạp của dịch bệnh. Đó là lý do vì sao Sài Gòn nhanh chóng triển khai các bệnh viện dã chiến tại các quận huyện, đồng thời chủ động đề xuất cho học sinh – sinh viên nghỉ học để cắt ly giả định lây lan của nguồn dịch trong cộng đồng. Ngành y tế thành phố cũng chuẩn bị các phương án cho trường hợp hành khách từng đi trên tàu Westerdam.

Đề xuất nghỉ hết tháng 3 của thành phố là táo bạo, nhưng kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch ở các nước, đặc biệt là Iran, Ý và Hàn Quốc. Đề xuất diễn ra trước khi Hồng Kông cho phép tiến hành nghỉ học cho đến tháng Tư.

Không phải giải pháp tối ưu, nhưng là giải pháp tốt nhất để kiểm soát được dịch bệnh.

Lãnh đạo chính quyền thành phố cũng nêu ra những lý do hợp lý, trong đó không thể dựa vào điều trị thành công 16 ca bệnh mà có thể chủ quan. Bởi nếu chỉ cần nguồn lây không cách ly kịp thời, thì với con số 1.000 bệnh nhân sẽ khiến thành phố… vỡ trận.

Nỗi lo ‘học sinh quên kiến thức’ phải nhường chỗ cho mục tiêu lớn hơn, đảm bảo thành phố không trở thành một Vũ Hán thứ hai.

Cần lưu ý, Sài Gòn chiếm phần lớn trong đóng góp ngân sách nhà nước, đầu tàu kinh tế khu vực miền Nam. Chỉ cần bệnh dịch ‘vượt báo động đỏ’ tại đây, thì Việt Nam sẽ gặp ngay biến động, khủng hoảng nền kinh tế.

Đà Nẵng quyết liệt

Mặc dù quan hệ ngoại giao dựa trên đầu tư giữa Việt – Hàn khá tốt. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và những chuyến bay đưa du khách Hàn Quốc đến vùng biển miền Trung tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro rất cao. Trong hiện trạng, Hàn Quốc đã mất khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Chính quyền Đà Nẵng đã vô cùng tỉnh táo khi tiếp nhận 22 khách đến từ Hàn Quốc (2 khách Thái Lan, 20 khách Hàn). Trước thái độ thiếu hợp tác khi không chịu cách ly tại bệnh viện Phổi, Đà Nẵng đã quyết liệt bố trí chuyến bay trả số du khách đó về lại Hàn Quốc.

Hàn Quốc hiện đang đau đầu về số người lây nhiễm bắt đầu từ bệnh nhân cứng đầu số 31. Cách Đà Nẵng thực hiện chính là ngăn chặn hiện trạng ‘bệnh nhân số 31’ xuất hiện tại Việt Nam. Và điều này cần tiếp tục được mạnh dạn thực hiện trong thời gian tới, cách ly hoặc ngừng nhập cảnh đối với hành khách có xuất xứ từ nguồn dịch bệnh các nước.

Khẩu trang là hàng dự trữ quốc gia

Trong cuộc họp cấp Chính phủ chiều 24 tháng Hai, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với học sinh, sinh viên khi đến cơ sở giáo dục đào tạo không cần sử dụng khẩu trang y tế. Bởi theo ông, ‘các tác động tiêu cực của việc sử dụng khẩu trang y tế không hợp lý vì nếu tất cả 22 triệu học sinh, sinh viên đi học đeo khẩu trang hàng ngày thì chỉ trong 1-2 ngày là hết toàn bộ lượng khẩu trang hiện có.’

Quan điểm này nếu xét về mặt nguồn cung mặt hàng khẩu trang là hoàn toàn hợp lý. Chính vì vậy, Facebooker Nguyễn Thiện đã đề xuất ‘cần đưa khẩu trang vào danh mục vật tư dự trữ quốc gia’.

Theo ông Thiện, dự trữ để đảm bảo ‘có thể sử dụng trong 3 tháng trong tình huống xấu nhất là cả nước phải phòng dịch.’

Như vậy, sau khi tiến hành cấm chuyển phát mặt hàng khẩu trang và các thiết cụ y tế trong phòng chống dịch bệnh corona thì giờ đây, chính quyền cần nghiêm túc về đưa khẩu trang trở thành vật thư dự trữ quốc gia.

Tránh sợ hãi, tránh tung hô

Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên là một trong nhiều quan điểm hướng đến tránh tạo ra một nguồn cơn sợ hãi trong xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất (đi học của được xem là sản xuất xã hội gián tiếp). Thế nhưng, cũng tránh tích cực hoá, lạc quan hoá dựa vào con số ‘16 người nhiễm và điều trị thành công’. Trên truyền thông nhà nước cần tiếp tục phát đi những thông tin liên quan đến diễn biến dịch bệnh các nước và thông tin phòng tránh liên tục để tránh tạo ra một không khí quá phấn khởi, tươi vui, dẫn đến ‘lờn’ các cách phòng chống Covid-19 cơ bản trong cộng đồng. Các biểu hiện lơ là chống dịch như tại Thanh Hoá (vẫn tổ chức hội nghị đông người trong tình hình dịch bệnh) phải được xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, có lẽ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phải tiếp thu tinh thần làm việc tích cực của Bộ Y tế, thận trọng, cương quyết của chính quyền Đà Nẵng, Sài Gòn trong phòng chống dịch thay vì thể hiện lúng túng và có xu hướng đá quả bóng trách nhiệm cho các ban ngành, tỉnh thành khác như trong thời gian qua.

‘Chống dịch như chống giặc’, là trách nhiệm chung của cả cộng đồng xã hội. Huy động và khuyến khích các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong cung ứng thông tin và các nhu yếu phẩm y tế (khẩu trang) cho người dân cũng là cách phòng dịch tốt nhất, lâu dài nhất. Dĩ nhiên, trong cộng tác này phải trên tinh thần đối tác và minh bạch.

Theo VNTB