26 năm “sống treo” ở Thanh Đa
Hơn 25 năm được quy hoạch, ba lượt chủ đầu tư đến rồi đi, bán đảo Thanh Đa hiện nay vẫn là quy hoạch “treo”. Trên 3.000 hộ dân nơi đây đã “sống treo” gần nửa đời người và chưa biết còn “treo” đến khi nào.
Ông Hà Văn Việt ở tổ 34, khu phố 3, bán đảo Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có con trai lấy vợ người Cà Mau. Xe đưa dâu từ quê lên, tới nhà trai phải dừng lại phía ngoài cầu Ông Ngữ vì cầu xuống cấp, xe hơi bị cấm.
Ông sui của ông Việt cười cười: “Giữa trung tâm TP lớn nhất nước mà bất tiện hơn xứ U Minh của tui”…
Dựng được mái nhà thì bị buộc phải tháo dỡ
Mấy bữa nay, khu phố 1, P.28 râm ran chuyện nhà bà Trần Thị Sáng ở tổ 14 bị quận xử phạt, buộc phải tháo dỡ nhà.
Gia đình bà Sáng là hộ khó khăn, ở trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, tháng nào cũng mấy lần ngập, có khi đến đầu gối vì triều cường. Độ ngập ở nhà bà Sáng nặng nhất xóm vì tất cả nhà xung quanh đều đã nâng nền, nhà bà Sáng nghèo quá không có tiền nâng.
Hồi tháng 3 vừa rồi, được một người thân cho ít tiền, bà Sáng xin phường sửa nhà. Nhưng căn nhà mục quá, tường gạch hơn 30 năm tuổi ngâm nước lâu ngày đổ sập. Bà phải đi vay thêm tiền, bán một phần đất mới đủ xây lại căn nhà hai phòng trên nền đất cũ.
Cả xóm chưa kịp mừng nhà mới với bà Sáng thì nhà bà bị UBND Q.Bình Thạnh xử phạt, buộc phải tháo dỡ nhà vì… xây dựng không phép.
“Gia đình bà ấy đang chạy ăn từng bữa, tiền trường cho đứa cháu học lớp 1 còn chưa đóng hết, lấy đâu ra tiền đóng phạt. Còn tháo dỡ nhà thì họ biết ở đâu?” – bà Lê Thị Thúy Vinh, tổ trưởng tổ 14, khu phố 1, nói thay bà Sáng.
Phường cũng hiểu tình cảnh này nên chuyển đơn xin cứu xét của bà Sáng đến quận chờ xem xét.
Ai thấu nổi khổ của dân
Cả phường 28, những hệ lụy của quy hoạch “treo” kể hoài không hết.
Do quy hoạch “treo” nên nhiều người có đất nhưng không được chuyển thành đất ở, không xây được nhà đành bỏ trống đất để đi thuê nhà ở.
Hàng chục năm nay, đường sá trong hẻm do người dân tự làm, không có cống thoát nước. Ống thoát nước thải của nhà dân cứ đưa thẳng ra những lô đất còn trống, đọng thành từng vũng, làm tổ cho muỗi mòng sinh sôi.
Khổ nhất là vào đợt triều cường và ngày mưa, nước nổi lúp xúp, bao nhiêu chất thải theo nước trôi lềnh bềnh khắp xóm.
Bà Phạm Thị Nga, nhà số 434/34/17B đường Bình Quới, từ năm 2000 đến nay đã ba lần nâng nền cao hơn 1,5m so với nền nhà ban đầu, đến nỗi cái cửa sổ ban đầu cao cỡ bụng người lớn nhưng nay bị chôn một phần do nâng nền.
Lần họp nào ở UBND phường bà Thúy Vinh cũng “khóc” xin Nhà nước cho làm đường, lắp cống thoát nước cho hẻm tổ 14.
Mới đây, UBND phường đồng ý cho làm hai đoạn đường chính của tổ, chi phí hơn 1 tỉ đồng, dân góp một phần, Nhà nước cho hai phần. Mỗi nhà phải đóng khoảng 3 triệu đồng mới đủ tiền làm đường.
“Nhiều chỗ ngập quá, chỗ nào “khóc” nhiều hơn thì được làm trước thôi. Cả bán đảo Thanh Đa này chỗ nào cũng ngập ngụa như xóm tôi” – bà Nga trần tình.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương ở tổ 8, khu phố 1, kể rằng thỉnh thoảng nghe Nhà nước nói xóa quy hoạch “treo”, dự án “treo” thì dân mừng lắm. Nhưng sau đó lại “treo” tiếp.
“Treo” 26 năm nay rồi, từ năm 1992. Bà nói người dân bán đảo Thanh Đa quá khổ rồi. Cứ vài năm lại nghe có chủ đầu tư, thấy người ta đi đo đất, xem đất thì mừng, hi vọng một chút rồi đâu lại vào đó.
Bà bức xúc: “Có lãnh đạo nào xuống đây ở một ngày để thấu hiểu nỗi khổ của dân không? Không lẽ chúng tôi bỏ nhà, bỏ đất của tổ tiên đi chỗ khác thuê phòng trọ mà sống để thoát khỏi cảnh quy hoạch treo hay sao?”.
Chưa bao giờ hết “treo”
Bán đảo Thanh Đa thuộc P.28, Q.Bình Thạnh rộng hơn 570ha đã được UBND TP.HCM quy hoạch thành khu đô thị văn hóa thể thao nghỉ dưỡng từ năm 1992.
Từ đó, mọi quyền lợi về nhà, đất của người dân Thanh Đa bắt đầu bị hạn chế. Dân không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, không được xây nhà mới, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không được cấp giấy chủ quyền.
Đến năm 2004, UBND TP có quyết định thu hồi đất, giao bán đảo Thanh Đa cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư để xây dựng khu đô thị. Nhưng đến 6 năm sau, người dân Thanh Đa vẫn chưa nhận được đồng nào tiền bồi thường trong khi đường sá xuống cấp, ngập nước khắp nơi.
Trước cảnh đó, UBND TP.HCM thu hồi dự án, xóa “treo” cho người dân Thanh Đa vào năm 2010. Năm 2015, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch Thanh Đa là khu dân cư đô thị sinh thái với dân số 45.000 người, 5 cây cầu nối với các khu vực bên ngoài, 28ha đất dành cho tái định cư…
Cũng trong năm này, UBND TP chấp thuận chủ trương cho liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC làm chủ đầu tư dự án quy hoạch khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Giữa năm 2016, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi liên danh, không tiếp tục tham gia dự án.
Lúc này, cả UBND Q.Bình Thạnh và UBND TP đều muốn Tập đoàn Bitexco, một bên còn lại của liên danh, tiếp tục thực hiện dự án. Vì vậy, UBND quận tiếp tục đưa Thanh Đa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018.
Chủ trương của TP trước sau như một là: vẫn phải thực hiện dự án tại khu vực Thanh Đa. Vì Công ty Emaar Properties PJSC không tiếp tục dự án, nên nếu UBND TP tiếp tục chỉ định cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư dự án thì phải làm lại về thủ tục.
Trước mắt, để ổn định đời sống của người dân Thanh Đa, UBND TP đã giao Sở Xây dựng rà soát giải quyết cấp phép cho người dân sửa chữa nhà, cấp phép xây dựng tạm trong thời gian chờ triển khai dự án.
Hiện TP đang phấn đấu chọn được nhà đầu tư trong năm 2018 để có thể sớm triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm giải quyết đời sống của người dân, không để kéo dài thêm tình trạng quy hoạch “treo” ở khu Thanh Đa.
Lãnh đạo UBND Quận Bình Thạnh:
Kiến nghị cho cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Với khu vực Thanh Đa, hiện chỉ cho phép người dân sửa chữa nhà theo hiện trạng.
UBND quận đã kiến nghị đến UBND TP cấp giấy phép xây dựng có thời hạn và cho tách thửa đất cho người dân Thanh Đa. Quan trọng là việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn vì nhiều người dân có đất nhưng không xây nhà được.
Theo Luật đất đai 2013, nếu kế hoạch sử dụng đất sau 3 năm không thực hiện thì cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu rà soát và xem xét hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất.
Nếu hết năm nay mà khu Thanh Đa chưa có quyết định thu hồi đất thì UBND quận sẽ báo cáo xin ý kiến về việc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất, nhằm giải quyết phần nào quyền lợi về đất đai cho người dân.
(Theo Tuổi Trẻ)