Vụ nữ chuyên viên tố đồng nghiệp quấy rối: Không thể nói là “anh em đùa giỡn”
Những ngày gần đây, dư luận vô cùng phẫn nộ trước việc một nữ chuyên viên phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tố cáo bị nam đồng nghiệp giở trò đồi bại ngay tại phòng làm việc, trong giờ hành chính.
Theo lời kể của nạn nhân, nam đồng nghiệp đã dùng tay sờ soạng, luồn tay vào áo, cởi cúc quần, mặc cho chị chống trả quyết liệt. Mặc dù hành động này đã khiến cho nữ chuyên viên hoảng loạn, sợ hãi song trả lời báo chí, ông Lê Minh Tiến – Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Triệu Phong lại cho rằng, đây chỉ là “anh em đùa giỡn nhau tí thôi chứ có vấn đề gì đâu”. Dù vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra thì câu trả lời này của vị lãnh đạo đã khiến cho không ít người bức xúc.
Chia sẻ với PV báo Lao Động, bà Phạm Thị Minh Hằng, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) bày tỏ quan điểm không đồng tình với câu trả lời của vị lãnh đạo phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Triệu Phong. Ông này nói đây chỉ là “anh em trêu đùa” thế nhưng rõ ràng nữ chuyên viên đã tỏ thái độ không đồng tình, thậm chí là kháng cực quyết liệt với hành động của nam đồng nghiệp kia, điều đó có nghĩa nam đồng nghiệp đã vi phạm quyền cá nhân của người khác.
“Đó là hành vi quấy rối tình dục. Bất cứ hành động nào khiến cho người khác không thoải mái đều được xem là hành vi quấy rối. Ngay cả một ánh nhìn, một lời nói khiến cho người khác cảm thấy không thoải mái cũng được xem quấy rối tình dục”, bà Hằng khẳng định.
Theo một nghiên cứu về quấy rối tình dục nơi công cộng trong đó có quấy rối tình dục nơi công sở do CGFED phối hợp với các tổ chức khác thực hiện, qua từng năm, tỷ lệ quấy rối không hề giảm. Trong nghiên cứu gần đây nhất, tỉ lệ đó vẫn là trên 80%. Những người trả lời phỏng vấn đều nói rằng họ từng ít nhất 1 lần bị quấy rối tình dục nơi công cộng.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn về cả thể xác và tinh thần, trong đó những tổn hại về mặt tinh thần sẽ rất khó phát hiện và cũng rất khó chữa lành. Những hậu quả về tinh thần sẽ kéo dài, tạo thành nỗi ám ảnh khiến cho nạn nhân gặp khó khăn trong việc giao tiếp với những người xung quanh.
Điều đáng nói là những người thực hiện hành vi quấy rối thường nói rằng họ không nhận thức được hành vi của mình là quấy rối tình dục. Thậm chí, khi đưa vụ việc ra cơ quan chức năng thì bản thân họ cũng tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý. Bởi lẽ, chúng ta chưa có một khung pháp lý rõ ràng cho việc này và làm như nào để chứng minh đó là hành vi quấy rối tình dục cũng không hề dễ dàng.
Bà Hằng cho rằng, để chấm dứt tình trạng này, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề quấy rối tình dục, chúng ta cần phải xây dựng một khung pháp lý rõ ràng để xử lý những hành vi quấy rối người khác ở nơi công cộng nói chung và ở công sở nói riêng.
(Theo Báo Lao Động)