Vụ khai 400.000 tấn gạo nửa đêm: Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc điều tra

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3112/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra đột xuất việc làm thủ tục hải quan và việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi Bộ trưởng Công an – Đại tướng Tô Lâm nhờ vào cuộc điều tra hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực trước tình hình đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong văn bản 3112, Văn phòng Chính phủ cho biết, về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:

Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong thời gian qua theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020.

Thủ tướng Chính phủ cũng kết luận, việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.

——-

Cũng ngày hôm nay, Công văn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo; Tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan…

vu mo to khai xuat gao nua dem: de nghi bo cong an chi dao dieu tra hinh anh 2

Văn bản của Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải Quan kiểm tra, xác minh thông tin tiêu cực trong quản lý hải quan đối với xuất khẩu gạo.

Về việc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra, làm rõ để phát hiện, xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm của công chức hải quan theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tính tổng thể các vấn đề báo chí, doanh nghiệp, mạng xã hội phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian qua, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Trước đó, ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Đến cuối ngày 24/3, chính Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại.

Giải thích về việc hôm trước xin dừng hôm sau xin hoãn này, Bộ Công Thương – cơ quan trực tiếp tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo nhiều năm – cho biết “do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng”.

Sự bối rối của cơ quan điều hành còn ở chỗ, gạo nếp – không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia nhưng vẫn được Bộ Công Thương tính chung trong các mặt hàng gạo xin dừng xuất khẩu. Thực tế này khiến các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo nếp bị đình lại, trong khi lượng tồn kho ở hai tỉnh An Giang, Long An rất lớn, lần lượt là 56.000 tấn và 152.000 tấn.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định Việt Nam không thiếu lương thực dù năm nay chịu nhiều tác động từ hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long và Covid-19.

Dẫn số liệu của Bộ NN&PTNT, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn để xuất khẩu năm nay hơn 13,4 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Riêng vụ đông xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Hai tháng nữa sẽ có thêm khoảng 4 triệu tấn gạo từ thu hoạch vụ hè thu. Đồng thời, gạo Việt Nam đang được giá trên thị trường quốc tế.

T.H