Việt Nam – Trung Quốc: Mối bang giao của kẻ c.ư.ớ.p bóc và nạn nhân ngàn năm

1. Nhìn lại lịch sử Trung Quốc cưỡng chiếm Biển Đông.

Năm 1954, thừa cơ người Pháp buộc phải rời khỏi Đông Dương, Đài Loan chiếm đảo Ba Đình và Trung Quốc, đồng minh ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’ chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa của chúng ta.

Năm 1974, khi người đồng chí ‘Môi hở răng lạnh’ đang vướng bận vào cuộc chiến thống nhất đất nước, Trung Quốc đánh chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa. Nước Mỹ bỏ rơi đồng minh và coi đó là món quà tặng Mao.

Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo/bãi đá ở Trường Sa là Gạc Ma, Chữ Thập, Subi, Gaven, Vành Khăn, Châu Viên và Tư Nghĩa. Các chiến hạm của hải quân Liên Xô đóng ở quân cảng Cam Ranh đã không làm gì để bảo vệ đồng minh như Hiệp ước Hòa bình Hữu nghị Việt Xô ký trước đó mươi năm giữa Lê Duẩn và L. Brê giơ nhep.

Kể từ đây, Trung Quốc cắm chân ở Hoàng Sa, xây dựng các đảo nhân tạo, sân bay, bến cảng, bãi tên lửa và biến những hòn đảo này thành các pháo đài quân sự trên Biển Đông.

Năm 2012, Trung Quốc vây chiếm bãi Scaborough, cách nước này 800 hải lý và cách Philippines 80 hải lý, nhưng nước Mỹ đã không làm gì để bảo vệ đồng minh như Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký năm 1951.

Từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc thực hiện chiến thuật ngoại giao bẻ đũa từng chiếc với các nước Asean, biến vùng không trang chấp thành tranh chấp, đe dọa kinh tế và quân sự buộc các các quốc gia láng giềng lùi bước trong việc khai thác và liên danh khai thác dầu khi trên vùng biển của mình.

Trung Quốc đang kiên trì thực hiện lối hành xử của bọn khủng bố, cướp bóc, trấn lột ngư dân Việt Nam, philippines… trên Biển Đông hòng làm họ khánh kiệt và sợ hãi mà rời bỏ ngư trường truyền thống, vốn là biển của đất nước mình.

Hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã áp dụng triệt để sách lược ‘Tằm ăn dâu’ và ‘Rình rập vồ mồi’ rất thành công. Thực tế hơn sáu mươi năm cưỡng chiếm Biển Đông của Trung Quốc nói lên điều đó.

2. Cách hành xử của Việt Nam

Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không nhận thức ra mối hiểm họa Trung Hoa, nhất là sau sự kiện Trung Quốc phát động cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 và cuộc chiến này kéo dài cho tới khi lãnh đạo hai nước ký Hiệp nghị Thành Đô năm 1990 mới kết thúc.

Lạ là tại sao Việt Nam cứ coi kẻ đã cướp một phần đất đai của tổ tiên để lại bằng cách ép Việt Nam vẽ lại biên giới trên bộ và trên biển vịnh Bắc bộ; kẻ đã chiếm trọn Hoàng Sa, một phần Trường Sa và đang vây ráp chúng ta ở Biển Đông là đồng chí?

Trong các cuộc thương thảo ngoại giao với Trung Quốc, người ta thường viện dẫn giữ gìn ‘Đại cục’, tuân theo phương châm ‘Bốn tốt’ và ‘Mười sáu chữ vàng’ do Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đề xuất mà bỏ qua nguyên tắc cơ bản trong bang giao quốc tế là BÌNH ĐẲNG và CÙNG CÓ LỢI.

Các sự kiện tàu Hải Dương 981 năm 2014, hay tàu Hải Dương 8 vừa mới đây, khoan thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam theo Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 là đều có tính toán của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Nếu để ý các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông liền trước chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khiến chúng ta nghĩ đến chính sách ngoại giao răn đe của nước này.

Các sự kiện đó là:

1. Từ ngày 29/06 đến 03/07 bắn hỏa tiễn đất đối hạm ở Biển Đông.

2. Từ ngày 03/07 đến nay, tàu Hải Dương 8 hoạt động thăm dò địa chất ở bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam.

Xem ra, Trung Quốc lại thành công trong phép thử bãi Tư Chính của họ, biến vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp. Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả, nhưng điều đó không có nghĩa là làm bạn với kẻ thù. Là nước nhỏ yếu bên cạnh Trung Quốc thì phải biết mềm dẻo và linh hoạt trong chính sách đối ngoại với người hàng xóm bất hảo này.

Nhưng chính sách ngoại giao đó không phải là sự nhún nhường vô nguyên tắc, làm suy yếu tinh thần tự tôn dân tộc của người Việt Nam. Trung Quốc là người bày ra ván cờ Biển Đông, họ chủ động tiến hoặc lui tùy cơ hành động. Dã tâm chiếm 60% biển Việt Nam của Trung Nam Hải là không thay đổi. Một nền ngoại giao nhún nhường kỳ lạ kiểu này thì kẻ thắng ván bài này sẽ về tay Trung Quốc.

LVS.