Việt Nam chấp nhận “đòn trừng phạt nặng nề” từ châu Âu
Hôm qua, ngày 08/06, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Nếu tính từ khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi hiệp định chính thức được phía Việt Nam và EU phê chuẩn thì đã gần 10 năm. Quá trình đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn EVFTA, EVIPA là hành trình dài, với sự nỗ lực không mệt mỏi với hàng chục vòng đàm phán gay cấn, khắc nghiệt, để mang về lợi ích chung cho cả nền kinh tế nước nhà, trong đó, cơ hội hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này chính là mỗi người dân, khi sẽ có nhiều cơ hội việc làm, các hợp đồng đầu tư với nguồn vốn nước ngoài ngày càng nhiều.
Đón trước khó khăn, Việt Nam dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với 2 Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Như lời chia sẻ về chặng đường khó khăn đã vượt qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “đã có những lúc trong hành trình ký kết, phê chuẩn có phần chững lại. Quá trình đàm phán đã khó khăn nhưng quá trình phê chuẩn dường như còn khó khăn gấp nhiều lần đối với Hiệp định này. Bởi vì các nghị sĩ châu Âu khá khó tính, có nhiều quan điểm yêu cầu khác nhau”. Công tác vận động được tiến hành đồng bộ tại Hà Nội, tại thủ đô các nước thành viên EU, tại các Hội nghị quốc tế, ở tất cả các cấp, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ cấp cao. Liên tục là các chuyến bay không ngừng nghỉ đến Châu Âu, các lãnh đạo của Việt Nam mang theo sự nỗ lực kiên trì, cuối cùng đã đưa hai Hiệp định về đích. Còn nhớ, lễ ký kết hai Hiệp định diễn ra năm ngoái (30/06/2019) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến công tác quan trọng dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức Nhật Bản, giữa lịch trình dày đặc, Thủ tướng đã từ Nhật Bản trở về, chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết rồi bay lại Nhật Bản ngay trong đêm.
Việc Việt Nam vận động và vượt qua được các khâu rất khó khăn và đã thành công, thực sự là một sự kiện đáng nhớ, nhất là trong bối cảnh các phong trào bảo hộ thương mại ở trên thế giới xuất hiện ngày một nhiều. Có thể thấy, các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành đều đã thành công khi chứng minh cho bạn bè quốc tế tin vào khát vọng, năng lực của Việt Nam. Như lời của ông Nicolas Audie, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chia sẻ: “Hành trình EVFTA và EVIPA là kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, để đi đến trái ngọt đó, cả hai bên đã phải đi qua chặng đường đàm phán trường kỳ với vô vàn thách thức”.
Cùng với CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA, EVIPA đã gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Những lợi ích mà EVFTA và EVIPA mang lại cho nước ta là rất lớn, nhưng điều quan trọng nhất, theo các đại biểu Quốc hội là “phải làm gì, làm như thế nào để phát huy tối đa thời cơ từ hai hiệp định này. Khi Quốc hội ấn nút phê chuẩn cũng là lúc chúng ta phải bắt đầu một cuộc đua chứ không phải là bắt đầu một bữa tiệc”. Vẫn còn đó những ngổn ngang, bề bộn mà chúng ta cần phải làm sao để đối tác dễ chia sẻ và đồng cảm làm ăn cùng nhau. Việc ký được EVFTA và EVIPA đã là khó, nhưng thực hiện và phát huy cho được lợi thế của hiệp định lại càng khó hơn. Rất mừng, là Chính phủ đã kịp chuẩn bị một bản dự thảo kế hoạch hành động thực hiện EVFTA để sau khi Quốc hội phê chuẩn thì các bộ, ngành có thể bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ được phân công. Bản dự thảo kế hoạch hành động này đã tập trung vào những lĩnh vực còn hạn chế khi triển khai các hiệp định vừa qua như truyền thông, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý…
Còn nhớ, giữa lúc Việt Nam và EU rất nỗ lực, trách nhiệm để EVFTA được hoàn tất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên thì các đối tượng như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… suốt ngày kêu gọi Nghị viện châu Âu không phê chuẩn Hiệp định tự do Thương mại giữa Việt Nam – EU và Hiệp định bảo hộ đầu tư, ngăn cản, làm nhiễu nhương công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Chúng hả hê nói rằng “Việt Nam sẽ hứng chịu sự trừng phạt nghiêm khắc và nặng nề”. Lời tiên tri này đã trở thành sự thật khi Việt Nam chấp nhận “đòn trừng phạt nặng nề” từ châu Âu. Rõ ràng, những xuyên tạc, vu cáo, ngăn cản, phá hoại EVFTA là đi ngược lại với lợi ích dân tộc, chống lại nhân dân, phá hoại đường lối hội nhập kinh tế, công cuộc đổi mới của đất nước. Thế nhưng, việc EU thông qua EVFTA và EVIPA cho thấy những xuyên tạc về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước đã trở nên lạc lõng và không thể ngăn cản quá trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam sẽ để lại một dấu ấn đáng chú ý về mọi mặt, từ việc xử lý nhanh chóng, ấn tượng dịch bệnh Covid-19, kết hợp với dong dịch chuyển cơ sở sản xuất của hàng loạt tập đoàn lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng như bắt đầu Hiệp định EVFTA lịch sử. Hơn thế, trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, EVFTA sẽ góp phần củng cố thêm vị thế của quốc gia Đông Nam Á này trên trường quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo của Việt Nam. Giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn, mang theo khát vọng về tự do giao thương, hợp tác cùng đi tới thịnh vượng.
Cánh cò