Vì phản đối sách Gạc ma Vòng tròn bất tử: Tư lệnh binh chủng Công binh bị phanh phui biệt phủ?
Theo tướng Hoàng Kiền, một số đối tượng đã lấy hình ảnh trong chuyến du lịch Quảng Ninh của gia đình ông và xuyên tạc, bịa đặt về việc ông có biệt phủ nguy nga, nhiều đồ quý giá.
Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền một số hình ảnh, thông tin cho rằng, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh QĐND VN, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra Biên giới có một “biệt phủ” nhà vườn hoành tráng với nhiều đồ nội thất, trang trí đắt tiền bên trong.
Trao đổi với PV vào chiều 13/9, Thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định, các thông tin này hoàn toàn là bịa đặt vu khống nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ông.
Theo tướng Kiền, vào ngày 12/5/2018, theo lời mời của một người bạn, gia đình ông có cùng gia đình một vị Đại tá ra thăm, du lịch tại Quảng Ninh.
Tòa “lâu đài” của đại gia ngành khai thác khoáng sản ở Cẩm Phả, Quảng Ninh bị một số người gán ghép thành nhà của tướng Kiền. Ảnh do tướng Kiền chụp trong chuyến du lịch.
Khi đến Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), người bạn này có liên hệ và mời ông cùng vào thăm ngôi nhà lớn, được ví như “lâu đài” của một doanh nhân ngành khai thác khoáng sản tại đây.
Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Họ xuyên tạc, bịa đặt tôi có biệt phủ với nhiều gỗ, đồ quý giá”
“Ngôi nhà này đã được nhiều báo chí, mạng xã hội đăng tải nên sau khi vào thăm, chúng tôi có chụp một số hình ảnh làm kỷ niệm.
Về nhà, tôi có đăng lên trang facebook cá nhân của mình rất nhiều ảnh chụp của mọi người tại đây với dòng bình luận đi một ngày đàng sáng mắt ra, với ý nói mình không có gì nhưng đi như vậy, thấy được người ta có công trình đẹp như vậy.
Tuy nhiên, vừa qua, một số người xấu đã lấy các hình ảnh trong đó, rồi vu khống, xuyên tạc, bịa đặt cho rằng, tôi có biệt phủ lớn, nguy nga, trị giá hàng trăm tỷ đồng và tại Bảo tàng đồng quê do tôi lập ở quê Nam Định có những đồ quý hiếm, nội thất gỗ quý tự nhiên, chạm trổ cầu kỳ…”, tướng Kiền nêu rõ.
Thiếu tướng Hoàng Kiền thông tin thêm, Bảo tàng đồng quê được xây dựng tại làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định) với diện tích 0,6ha với kinh phí khoảng 8 tỉ đồng do gia đình ông cùng sự ủng hộ của các đơn vị, cá nhân mọi miền đất nước.
Bảo tàng được cấp phép năm 2013, với mục đích lưu giữ lại những hiện vật văn hoá đồng quê nói chung và đồng quê Bắc Bộ nói riêng trong quá trình lịch sử phát triển.
Tại bảo tàng có nhiều cây cối và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến các nếp nhà của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, về cây lúa nước, các đồ đồng, gốm, sành sứ và đời chiến sĩ, gắn liền với quá trình chiến đấu, công tác của vị tướng này.
Tướng Kiền nhấn mạnh, ngoài các hiện vật liên quan đến chủ đề trưng bày trên, tại đây không có những đồ quý hiếm, gỗ quý tự nhiên, ngà voi, sừng hươu hay tượng gỗ chạm trổ cầu kỳ như thông tin bịa đặt trên mạng xã hội.
Ông chia sẻ, bảo tàng hoàn toàn tự túc về kinh phí và không thu phí vào cửa nên nếu cần thiết, mọi người có thể về trực tiếp để tham quan để thấy rõ thực hư thông tin.
“Hiện nay, một số anh em, luật sư cũng đã có đề nghị và trong thời gian ngắn, tôi sẽ làm đơn kiện đối với những người, cá nhân đã đăng tải, lan truyền thông tin không chính xác, bịa đặt, vu khống về tôi”, tướng Kiền nhấn mạnh.
Thiếu tướng Hoàng Kiền, sinh năm 1950. Ông được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là một trong những tác giả tham gia Công trình phòng thủ Trường Sa được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Tướng Kiền từng có nhiều năm được giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa. Sau này, ông chuyển về công tác tại Binh chủng Công binh và từng giữ chức Tư lệnh Binh chủng.
Vì phản đối sách “Gạc ma – Vòng tròn bất tử”: Tư lệnh binh chủng Công binh bị xuyên tạc có biệt phủ siêu khủng
Năm 2007, ông làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra Biên giới cho đến năm 2014 về nghỉ hưu.
(Theo But Danh)