Tướng bị “sa cơ” cũng vì đất đai quá “màu mỡ”?!

Trong hai ngày 27 và 28/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 27 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đáng chú ý, UBKT Trung ương kết luận vi phạm của thượng tướng Phương Minh Hòa và trung tướng Nguyễn Văn Thanh có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Đất đai, đất công quá màu mỡ cho việc kiếm chác

“Ma lực” từ đất đai khiến nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm

Trong nhiều năm qua, hàng loạt đất công bị bán rẻ dưới những hình thức như góp vốn thực hiện dự án, bán chỉ định gây thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ khi báo chí nêu ra, cơ quan chức năng mới vào cuộc và kết luận có sai phạm.

Sau khi đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013-2016 tại 7 địa phương là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP HCM, thị xã Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 8.300 tỉ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước của các dự án gần 4.000 tỉ đồng

Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất vẫn là năm 2017, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ rà soát việc sử dụng 60 dự án “đất vàng” ở các địa phương. Trong đó, Hà Nội có đến 25 dự án, TP.HCM 13 dự án, Nghệ An 10 dự án, còn lại 12 dự án ở các địa phương khác.

Trong đó, tại Đà Nẵng, hai cựu Chủ tịch là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bị khởi tố bị can, do các vi phạm về quản lý đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi Vũ Nhôm). Thực tế, từ năm 2007 đến nay rất nhiều nhà đất công sản ở Đà Nẵng được bán có dấu hiệu vi phạm khi không thực hiện theo đúng quy định Luật Đất đai.

Tại TP.HCM, việc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận bán hơn 32ha đất Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty cổ phấn Quốc Cường Gia Lai với “giá bèo” đã bị Thành ủy TP. HCM “tuýt còi”. Trong vụ việc này, ông Trần Công Thiện – Bí thư chi bộ, thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng. Còn Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang cũng bị đề xuất kỷ luật.

Tại Nghệ An, việc bán trụ sở Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũ (66 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, Nghệ An) và đất trụ sở cũ UBND phường Hồng Sơn (2 Trần Phú, TP Vinh) được bán chỉ định cho doanh nghiệp cũng gây bức xúc trong dư luận.

Tướng quân đội cũng không ngoại lệ

Hai vị tướng bị đề nghị kỷ luật là Thượng tướng Phương Minh Hoà, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân.

Thượng tướng Phương Minh Hoà và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh mới bị UBKTTU đề nghị kỷ luật

Theo kết luận của UBKTTU, Thượng tướng Phương Minh Hoà trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân từ 2010 đến 2015 đã trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Truyền thông trong nước không cho biết cụ thể những văn bản sử dụng đất này cụ thể là gì.

Trung tướng Nguyễn Văn Thanh được xác định là phải chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng quy định. Ông Thanh là người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2010 – 2015 vì là người đứng đầu.

Còn nhớ, mới hồi tháng 4 vừa qua, do có liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là Út trọc), hai đại tá quân đội cũng thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân đã bị khởi tố vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đó là đại tá Bùi Danh Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng và Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân.

Những sự vụ này cho thấy, “đất đai vẫn quá màu mỡ” nên dễ khiến cho một bộ phận “người lính” với bản lĩnh tư tưởng, chính trị vững vàng cũng không tránh được cám dỗ.

Thật sự không còn vùng cấm

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan từng nói: “Người ta ăn của dân không từ một cái gì…”. Với những điều “mắt thấy tai nghe”, thực trạng tham nhũng đang xảy ra từ miền núi xuống đồng bằng, từ nông thôn ra thành thị, từ viên chức cấp thôn xã, công chức cấp huyện/tỉnh đến cán bộ cao cấp. Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu “…Những yếu kém khuyết điểm chậm được khắc phục làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ…”.

Nguyên nhân của của thực trạng trên đó là do tham nhũng đã và đang có đất sống. Và nhân dân vui mừng vì thời gian qua hàng loạt những vụ án tham nhũng bị phát giác, khởi tố. Nhiều cán bộ có chức quyền, có sai phạm đã bị xử lý…, giúp nhân dân tin rằng điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Lò nóng lên thì củi tươi cũng phải cháy” đã và đang trở thành hiện thực.

“Lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang đốt cho thấy không còn vùng cấm trong chống tham nhũng

Có thể nói, chưa khi nào công cuộc phòng, chống tham nhũng lại được thực hiện trên nền của một triết lý rõ ràng, đồng thời trở thành một cao trào trong xã hội như thời gian qua. Công cuộc này đã thu hút sự vào cuộc của người dân, báo chí, các cơ quan, tổ chức. Một loạt vụ việc lớn được phơi bày, nhiều “quan chức hạng nặng” tham nhũng bị dính đòn “knock out” mà không cần liệt kê ra thì chúng ta vẫn có thể gọi tên được, qua đó nhiều tài sản tham nhũng bị phát hiện, thu hồi,

Trường hợp sai phạm liên quan đến lực lượng vũ trang càng cho thấy, tướng lĩnh cấp cao mà làm sai thì nguy hiểm hơn cả cán bộ cấp thấp, cho nên việc xử lý nghiêm là đúng. Đó cũng thể hiện tính cương quyết mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đấu tranh chống tham nhũng, nếu sai phạm đó không được xử lí công khai minh bạch thì sẽ ảnh hưởng đến toàn cục.

Nên, việc các vị tướng quân đội hay công an đều bị xem xét xử lý, kỷ luật càng cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm. “Cuộc vận động, đấu tranh làm trong sạch Đảng đang ngày càng đi đến đỉnh cao hơn, càng ngày càng đi đến quyết liệt hơn, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước. Kể cả những trường hợp cán bộ cấp cao đang còn đương chức hay những trường hợp đã nghỉ hưu nếu có sai phạm cũng đều được đưa ra xem xét một cách cụ thể. Điều này thể hiện rõ việc không có vùng cấm trong việc xử lý sai phạm của cán bộ” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội nói.

Từ thực tế trên cho thấy, những “củi khô” thì đã lộ diện “hai năm rõ mười” rồi. Những “củi vừa vừa” thì cũng không thể trốn tránh kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Còn những “củi tươi”, nếu quan sát kỹ, mọi người thấy họ có biểu hiện nói thì rất hay, rất mạnh nhưng khi làm thì ngược lại.

Như vậy, tham nhũng có tính lây lan từ lĩnh vực quản lý kinh tế, chính sách, đến tham nhũng quyền lực, rồi qua khu vực an ninh – quốc phòng. Việc một số tướng quân đội “sa cơ” vì cám dỗ, vì sự màu mỡ của đất đai đã ít nhiều nói lên điều đó.

Do đó, công cuộc chống “giặc nội xâm” không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Bởi vì chống tham nhũng là cuộc chiến ngay trong nội bộ, trong nhiều lĩnh vực, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức Đảng. Xử lý vi phạm, sai phạm phải tuân theo quy định của pháp luật, của Đảng.

Và để phát huy hiệu quả thì hơn bao giờ hết, nó luôn cần sự công khai, minh bạch, không có vùng cấm.

(Theo Bút Danh)