20.000 tỷ đồng mỗi năm để duy trì xe công đưa đón công bộc

Bộ Nội vụ Việt Nam vẫn chưa công bố quyết định liên quan đến việc xử lý những viên chức sử dụng công xa đi dự đám cưới quý tử của bà Hồ Thị Cẩm Đào – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu của tỉnh Sóc Trăng tại Quốc hội.

Cách nay một tháng, bà Đào khuấy động dư luận vì tổ chức bốn bữa tiệc trong suốt ba ngày để đãi khách đến mừng con trai bà lấy vợ. Bữa nào cũng vài trăm khách. Thậm chí tiệc chính tổ chức tại nhà hàng lớn nhất Sóc Trăng đãi tới 800 người! Đám cưới chưa từng có ấy tại Sóc Trăng khiến thiên hạ phải ghé mắt nhìn vào…

Cũng vì vậy, người ta phát giác, ngoài Sóc Trăng, có rất nhiều khách từ nhiều tỉnh (Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre,…) dùng công xa đi… đám cưới.

Sau scandal vừa kể, bà Đào cho biết bà sẽ… “rút kinh nghiệm”. Những viên chức đã dùng công xa đi dự đám cưới con trai bà Đào cũng đề nghị được… “tự kiểm, rút kinh nghiệm”! Còn những viên chức có trách nhiệm xử lý sai phạm? Họ chỉ làm một chuyện: Soạn – gửi báo cáo cho Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Nội vụ xem xét, định đoạt.

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính Việt Nam từng công bố một thống kê, theo đó, mỗi năm, dân chúng Việt Nam phải chia nhau gánh 13.000 tỉ đồng để duy trì hoạt động của 40.000 công xa chuyên đưa đón các… công bộc.

Cho dù 13.000 tỉ đồng/năm làm người ta sửng sốt nhưng vào thời điểm ấy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng con số đó chưa… sát thực tế. Ngoài lương trả cho các tài xế, nếu tính đúng, tính đủ chi phí bảo dưỡng, chi phí liên quan đến vận hành, rồi tiền xăng chi cho mỗi công xa hoạt động suốt năm, tổng số tiền để duy trì hoạt động của 40.000 công xa này chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với tính toán của Bộ Tài chính.

Ngoài chi phí hàng năm như đã kể, vài số liệu khác liên quan tới công xa, cũng do Bộ Tài chính Việt Nam công bố vào năm 2015, rất đáng để người ta ngửa mặt kêu Trời! Chẳng hạn vào thời điểm ấy, giá trị của 40.000 công xa dành riêng cho việc đưa đón các… công bộc là 20.600 tỉ đồng, xấp xỉ một… tỉ Mỹ kim và tương đương 21% tổng giá trị tài sản nhà nước (999.692 tỉ đồng).

Nhìn tổng quát, chuyện đưa đón các… công bộc đi tới, đi lui, kể cả hỗ trợ vợ con họ đi ta bà đã góp phần đáng kể vào tình trạng chi thường xuyên để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng tăng trong khi chi cho phát triển quốc gia, kể cả chi cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội liên tục giảm!

Không phải tự nhiên mà năm 2015, Bộ Tài chính công bố những số liệu liên quan tới công xa. Trước tình trạng đã tìm đủ cách tận thu mà vẫn không thể bù đắp các khoản chi càng ngày càng lớn, phải liên tục vay cả ngoài lẫn trong để chi tiếp, bất kể áp lực trả các khoản nợ đến hạn thanh toán càng ngày càng cao, hệ thống công quyền vừa phải thắt chặt chi tiêu nhằm tránh vỡ nợ, vừa thúc giục “tiết kiệm, chống lãng phí”.

Đó là lý do “khoán” công xa ra đời (cấp cho mỗi viên chức trong diện được hưởng tiêu chuẩn công xa 120 triệu/năm). “Khoán” công xa được dự đoán sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 200 triệu/viên chức mà theo… qui định, được… đãi ngộ trong đi lại bằng công xa.

Tuy nhiên tháng hai năm nay, ý tưởng và nỗ lực “khoán” công xa đến cấp thứ trưởng đã bị bóp mũi bằng Nghị định 04/2019 (qui định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô)! Theo đó, tất cả các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ cấp tỉnh, thành phố trở lên lại đương nhiên được hưởng chính sách đãi ngộ trong đi lại bằng… công xa. Giá trị công xa sẽ phụ thuộc vào vai trò, vị trí của đượng sự và tối thiểu cũng cả tỉ đồng.

Tuần trước, tại cuộc họp định kỳ do Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thanh Thủy (Phó Đoàn đại biểu của tỉnh Hậu Giang tại Quốc hội) đã chất vấn Bộ trưởng GTVT rằng có nên xem xét đề nghị của công chúng, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các bộ trong chính phủ đi làm bằng xe hai bánh, xe buýt để “thực hành tiết kiệm, thực hiện nêu gương”?

Nghe thế, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT, đã thách lãnh đạo tỉnh Hậu Giang “xung phong làm thí điểm”, nếu thí điểm thành công thì Bộ GTVT sẽ “nghiên cứu” để “nhân rộng” chứ không “áp dụng đại trà ngay lập tức”. Nhiều người phẫn nộ vì thái độ của ông Thể. Đó không phải là ý kiến riêng của bà. Đó là mong muốn của dân chúng nên thái độ đó hướng vào công chúng.

Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: TN

Đâu phải tự nhiên mà ông Thể trả lời như vậy! Cũng không phải tự nhiên mà bà Hồ Thị Cẩm Đào sổ t.o.ẹt vào cam kết mà các lãnh đạo luôn công bố trước dân: Sẽ “nghiêm khắc với bản thân” và sẽ “kiên quyết chống: lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực, thời gian làm việc, chống sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí”, vô tư khoe sang, khoe giàu khi tổ chức đám cưới cho quý tử và nhiều viên chức cả ở Sóc Trăng lẫn các tỉnh thản nhiên dùng công xa đi dự đám cưới con trai bà Đào.

Nếu những cán bộ, quan chức không có những đặc quyền như ông cố nội, bà cố nội, dành đủ loại đặc quyền cho những viên chức đã được lựa chọn – qui hoạch – sắp đặt để dẫn dắt một địa phương, cao hơn là cả quốc gia thì họ có thể tự tin đến mức “nói mặt đằng, làm một nẻo”, dám xấc xược cả với luật pháp lẫn dân chúng như vậy không?

Theo VOA