Trung Quốc đang bị Chiến lược “Vành đai con đường” quật lại chính mình
Theo báo cáo do Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF) công bố trong tháng 5, Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các nước thu nhập thấp trên thế giới, với dư nợ tăng từ 875 tỷ USD năm 2004 lên 5,5 nghìn tỷ USD năm 2019 và khoản nợ này hiện khó mà thu hồi được.
Với tác động của đại dịch COVID-19, khoản nợ khổng lồ này đã dần biến thành nợ xấu. Rắc rối hơn nữa là những khoản nợ này không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề nan giải cả về chính trị lẫn ngoại giao.
Theo trang Deutsche Welle ngày 21/5, tờ South China Morning Post của tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) ở Hồng Kông viết, kể từ khi ra mắt chiến lược “Vành đai con đường” năm 2013 đến nay, ít nhất 730 tỷ USD đã được Bắc Kinh chuyển cho các hợp đồng đầu tư và xây dựng ở hơn 112 quốc gia.
Bài báo đề cập rằng hầu hết tất cả các khoản vay này là chính thức và đến từ chính phủ và các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tích cực cung cấp các khoản tín dụng cho các nền kinh tế mới nổi như ở Châu Phi. Nhiều khoản vay trong số này cho các nước đang phát triển là khoản vay giữa các chính phủ và Trung Quốc thường không tiết lộ chi tiết và điều khoản.
Không giống như các khoản vay được cung cấp bởi các nước phát triển hoặc các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, các khoản vay của Trung Quốc thường có lãi suất cao hơn và kỳ hạn ngắn hơn, cứ sau vài năm lại yêu cầu tái cấp vốn và các quốc gia con nợ thường sử dụng tài sản quốc gia để thế chấp.
Đối mặt với những nghi ngờ của bên ngoài, Bắc Kinh cho rằng lãi suất của các khoản vay này phản ánh đúng rủi ro, bởi vì có như thế các ngân hàng nhà nước Trung Quốc mới tin tưởng vào việc cho các nước nghèo vay.
Ai nợ Trung Quốc các khoản tiền lớn?
The New York Times đưa tin, nợ của Ethiopia đối với Trung Quốc chiếm 20% tổng sản lượng kinh tế hàng năm, ở Kyrgyzstan chiếm khoảng 40% và nợ của Djibouti đối với Trung Quốc thậm chí chiếm tới 80% tổng sản lượng kinh tế hàng năm.
Báo này cũng đề cập rằng sau khi dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới suy thoái, ngày càng có nhiều quốc gia cho Bắc Kinh biết họ không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Makhdoom Shah Hussain Qureshi, quốc gia đồng minh truyền thống của Trung Quốc, được gọi là “anh em sắt thép”, vào tháng trước đã gọi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra yêu cầu khẩn cấp và hy vọng trong tình trạng nền kinh tế ở Pakistan đang suy thoái mạnh, Trung Quốc có thể thực hiện tái cơ cấu khoản nợ hàng tỷ USD họ vay của Trung Quốc.
The New York Times đã đề cập, ngoài Pakistan, Kyrgyzstan, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi cũng đã yêu cầu Bắc Kinh làm như thế, hoặc hoãn trả nợ, hoặc hy vọng hàng chục tỷ đô la cho vay đáo hạn trong năm nay có thể được miễn giảm; thậm chí đem các cảng biển, hầm mỏ và các tài nguyên quý giá khác làm tài sản thế chấp, giống như Sri Lanka trước đây đã sử dụng cảng Hambantota làm tài sản thế chấp và bị Bắc Kinh tiếp quản.
Tin tức cho biết, chính phủ Kyrgyzstan hồi tháng Tư tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý thảo luận lại về kế hoạch trả nợ cho khoản vay 1,7 tỷ USD, nhưng không tiết lộ chi tiết. Ông SR Attygalle, cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka và hiện là thư ký của Bộ Tài chính, cũng nói rằng sau khi Sri Lanka đề nghị Trung Quốc cứu trợ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã mở rộng hạn mức tín dụng 700 triệu USD, giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ thêm 2 năm.
Tại Trung Quốc, để duy trì tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu của chính phủ, hệ thống tài chính của Trung Quốc đã phải chịu các khoản nợ lớn từ các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương. Người dân Trung Quốc cũng bắt đầu nghi ngờ liệu khoản tiền vất vả mới kiếm được của họ có bị đầu tư lãng phí ra nước ngoài hay không. Một mặt, Bắc Kinh lo lắng rằng việc giảm, xóa nợ cho các nước con nợ sẽ kích nộ người dân trong nước. Mặt khác, họ lại lo lắng rằng khi nhiều quốc gia cáo buộc Bắc Kinh về dịch bệnh, các quốc gia con nợ có thể ngả sang phía đối lập.
Câu lạc bộ Paris
Ông Tống Vi, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế, Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết trên cơ quan truyền thông chính thức Thời báo Hoàn cầu bày tỏ trên thế giới cần áp dụng một thái độ bao dung và mang tính xây dựng hơn trong việc xử lý các vấn đề nợ và phát triển.
Ông cho rằng sự hình thành vấn đề nợ nần ở các nước đang phát triển là vấn đề phát triển tích lũy lâu dài, có liên quan đến bản chất của sự phân chia lao động quốc tế không bình đẳng từ thời cận đại. Chỉ có cách thay thế nợ nần đơn thuần bằng phát triển mang tính bao dung, mới có thể giải quyết vấn đề nợ nần của họ một cách cơ bản.
Ý tưởng của Tống Vi thực ra là “Câu lạc bộ Paris” hiện đang có. Cơ cấu không chính thức này được thành lập vào năm 1961 để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết các vấn đề nợ quốc gia. Ngoài việc cơ cấu lại nợ, nó còn cung cấp viện trợ tài chính mới cho các quốc gia con nợ. Các thành chủ yếu là các nước công nghiệp trong OECD, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Canada, Bỉ, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Ngoài sự tham gia của đại biểu từ các quốc gia con nợ và chủ nợ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, OECD, UNCTAD; Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và Cộng đồng Kinh tế Châu Âu cũng cử quan sát viên tham gia.
Các nguồn tin ngoại giao hôm 20/5 cho AFP biết Cuba đã yêu cầu chủ nợ lớn “Câu lạc bộ Paris” hỗ trợ trì hoãn việc trả nợ cho đến năm 2022, với lý do kinh tế Cuba bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19.
AFP đưa tin, Câu lạc bộ Paris hiện đang hỗ trợ Cuba, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tạm đình chỉ trả nợ và trì hoãn thanh toán đến năm 2022. Năm 2015, Cuba đã thông qua Câu lạc bộ Paris để xóa 8,5 tỷ USD trong số khoản nợ 11 tỷ USD và điều chỉnh thời hạn trả nợ đến năm 2033.
Theo Viettimes