Trồng cây ngăn lũ, dùng lu chống ngập, tại sao không?

Từ ngày 12-7- đến nay, dư luận (từ báo chí đến facebook) đang lên đồng vì “chuyện cái lu”, phần lớn ném gạch đá PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân và cho rằng ùng cái lu để chống ngập là không có tính khả thi.

Trước hết, nếu một ai đó nói ở vùng đồi núi, mỗi nhà cần phải trồng vài cái cây để ngăn lũ thì chắc mấy anh, chị sống ở vùng thành thị, hay mấy tay “phóng viên máy lạnh” cũng nhao nhao phản đối… Nhưng xin thưa rằng ở rừng, núi mỗi bụi, cây cành cỏ lại có tác dụng giữ nước lại để nó thẩm thấu xuống đất và ngăn dòng chảy của nước, nên khi những cánh rừng sinh sôi, phát triển thì hạn chế được lũ ống, lũ quét; ngược lại khi những cánh rừng bị triệt hạ thì lũ lụt càng tàn phá nhiều hơn là vậy.

Trở lại “chuyện cái lu”, Lu là cách gọi của người Bắc, còn người miền Trung và Nam Bộ tùy theo kích cỡ, hình dáng mà gọi nó là cái chum, vại, lu, ảng hay cái ghè hứng nước mưa để nấu ăn, uống, rửa ráy, tắm giặt, tưới cây… được ông bà, tổ tiên ta sử dụng từ hàng trăm năm trước đây rồi, nhất là những vùng như Miền Tây nhiễm phèn, mặn hay ở Tây Nguyên khô hạn thì dân thường xây bể tích nước trong mùa mưa để dùng quanh năm. Còn những người sống ở thành phố, lâu nay quen với việc sử dụng nước máy, nước giếng khoan nên khi PGS.TS Hồng Xuân nói đến cái lu để chống ngập cho TPHCM, nhiều người phản ứng là vậy? Nhưng nếu bình tĩnh xem xét thì đây là ý kiến hay mang tính khoa học, “chuyện cái lu” cũng giống trồng cây ngăn lũ thôi, Tp. HCM cần nghiên cứu có các giải pháp khả thi.

Thực tế là, ở một số nước phát triển, tại các khu đô thị, họ luôn cho xây dựng một hệ thống đường hầm lớn dưới lòng đất để chứa nước và hệ thống thu gom, tái sử dụng nước mưa cho từng hộ gia đình, vừa để giảm ngập cục bộ, úng thủy và tái sử dụng nguồn nước; với hệ thống này, mỗi hộ gia đình, tùy theo nhu cầu mà họ dùng thùng nhựa hoặc bể chứa ngầm có khi đến cả chục m3, sau khi nước mưa được thu gom, xử lý sẽ dùng vào việc tưới cây, tắm rửa, vệ sinh…

Còn ở Việt Nam, khi quy hoạch các đô thị, ta cũng đã để lại các hồ chứa lộ thiên gọi là Hồ điều tiết để gom chứa nước mưa đột biến qua hệ thống thoát nước chống ngập. Tuy nhiên, do mật độ dân cư của các đô thị lớn ở Việt Nam cao, việc bê tông hóa quá nhiều nên khi mưa lớn nước không thể thẩm thấu xuống lòng đất được làm cho nước dồn về Hồ điều tiết bị quá tải, cộng với nhiều yếu tố khác như triều cường, tắc cống,… làm ngập cục bộ sau những cơn mưa lớn là điều không bao giờ tránh khỏi; chỉ trừ khi Tp. HCM phá đường đào sông mới hết ngập vậy.

Từ kinh nghiệm của các nước và người dân trong việc tích trữ nước mưa, thiết nghĩ khi thiết kế xây dựng các chung cư và các hộ gia đình ở các đô thị cùng với với giải pháp xanh ta cũng nên coi trọng xây dựng hệ thống thu chứa và tái sử dụng nước mưa. Với lượng mưa ở nước ta, nếu mỗi khu chung cư có 1 bể thu chứa và tái sử dụng nước mưa chừng 1000 đến 5000 m3, mỗi hộ gia đình chừng 1 đến 3 m3 nước thôi, xử lý rồi dùng vào việc tưới, tắm, sinh hoạt… thì việc ngập cục bộ tại các đô thị sau các trận mưa lớn sẽ không xảy ra hoặc nếu xảy ra cũng không nghiêm trọng. Đặc biệt là, khi mà nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng, giá điện, giá nước máy tăng cao thì có thể nói việc dùng “lu” tích nước chống lũ nó rất là lưỡng tiện mang lại lợi ích nhiều bề đấy chứ.

Rõ ràng ý kiến của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là có cơ sở khoa học nhưng vẫn bị cộng đồng dè bỉu, chửi bới, ném đá. Chắc là tại Bà Xuân dùng CÁI LU mộc mạc thôn quê mà không dùng cái cụm từ HỆ THỐNG THU, TÁI SỬ DỤNG NƯỚC MƯA nên bị mấy anh lều báo và cộng đồng mạng phản ứng.

Vậy, để không là kẻ hồ đồ, mỗi chúng ta nên tìm hiểu kỹ trước khi phản đối!