Trịnh Xuân Thanh xài đồng hồ 39 tỷ đồng: Phải làm gì?
Qua trường hợp của ông Thanh nên học hỏi kinh nghiệm của Singapore trong tổ chức giám sát chống tham nhũng.
Một dòng họ đi làm công chức cả đời cũng không mua được
Liên quan đến câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng chiếc đồng hồ Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G trị giá 1,7 triệu USD (tức là khoảng 39 tỷ đồng, tính theo tỷ giá năm 2015), chê một Phó Tổng giám đốc dùng đồng hồ 1,8 tỷ đồng chỉ đáng cho tài xế đeo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội choáng váng.
Ông Mão cho biết: “Điểm quan trọng ở đây là xác định chiếc đồng hồ đó có phải thuộc sở hữu của ông Thanh thật sự hay không? Hay là đi mượn, hay là được cá nhân hay doanh nghiệp nào đó tặng, tức làm rõ nguồn gốc chiếc đồng hồ.
Về mặt pháp lý mà nói các tài sản như vậy đối với một cán bộ công chức bình thường, kể cả lãnh đạo quản lý thì đó cũng là một khối tài sản khủng, lớn quá sức tưởng tượng của mọi người.
Riêng với tôi, đây là khối tài sản nằm trong mơ mới dám nghĩ tới, đi làm cả đời cũng không mua được, thậm chí, con cháu của cả một dòng họ đi làm công chức cả đời cũng không có”.
Bên cạnh đó, theo ông Mão, đưa các dòng trang sức, phụ kiện vào yêu cầu kê khai tài sản không khó.
Việc này điểm mấu chốt nằm ở khâu quản lý cán bộ công chức hiện nay, khối tài sản buộc phải công khai, kê khai một cách trung thực, kể cả đá quý, vật dụng trong nhà như bàn ghế…trên 50 triệu đồng đều phải kê khai. Cụ thể, nếu có các món trang sức như dây chuyền vàng, kim cương, đồng hồ đắt tiền thì cũng phải kê khai như bình thường.
Điểm quan trọng là người đó có kê khai hay không, tính trung thực đến đâu, cơ chế kiểm soát tài sản như đá quý, phụ kiện…đó mới là điểm quyết định.
Nên học hỏi cách chống tham nhũng của Singapore
Ở góc độ khác, theo vị ĐBQH trên, riêng với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thì phải xử phạt từ hành chính đến phạt tiền, thậm chí tịch thu tài sản.
Cách thực hiện thì cần có cơ chế, xét về mặt chính sách tài chính, quản lý tài sản của cán bộ công chức, cần áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Như các nước mọi việc đều thông qua hoạt động quản lý kiểm soát chi tiêu tiền mặt, Việt Nam nên áp dụng.
Khi anh chi một khoản tiền mặt để mua tài sản giá khủng như chiếc đồng hồ 39 tỷ đồng đó sẽ biết họ mua ở đâu, mua của ai, chứ không ai mang bằng đó tiền mặt đi mua một món đồ.
Đồng thời, có tổ chức thiết kế công cụ để theo dõi, kiểm soát tài sản của đối tượng phải kê khai thu nhập một cách tổng thể.
Phải phấn đấu làm sao đạt được đến sự chuyên nghiệp như Singapore đang làm với 4 không: không dám – không cần – không thể – không được.
Được biết, theo chế tài của Chính phủ Singapore, một người được Nhà nước tuyển vào ngạch công chức, quan chức Chính phủ, thì hàng tháng buộc phải trích một tỷ lệ tiền lương để gửi quỹ tiết kiệm.
Nếu phạm tội tham nhũng, dù chỉ bị xử lý hành chính buộc thôi việc ra khỏi ngạch công chức, thì toàn bộ số tiền kia sẽ bị Nhà nước trưng thu. Quan chức cấp càng cao thì số tiền bị trưng thu càng lớn, có khi lớn gấp nhiều lần số tiền tham nhũng. Vì lẽ đó mà hạn chế được tệ nạn tham nhũng.
Hơn nữa, các quan chức, công chức chỉ được nhận quà với trị giá 100 SGD trở xuống. Nếu trên mức đó thì người được tặng phải tìm cách từ chối, hoặc muốn nhận thì phải làm báo cáo xin phép lãnh đạo trực tiếp có ý kiến cho phép mới được nhận.
Đúng quy trình, bài bản mà sao tỷ lệ thất thoát càng nhiều?
Là người cũng quan tâm đến vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, nếu đúng đồng hồ ông Thanh sở hữu trị giá 39 tỷ đồng thì đây là một sự bất ngờ, nhất là tài sản của một giám đốc doanh nghiệp nhà nước.
Việc này cũng phản ánh một thực tế quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp nhà nước, có kẽ hở để các tham nhũng bòn rút, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, tiêu xài hoang phí.
Riêng về vấn đề kiểm soát tài sản, cứ làm quá chặt chẽ, quá bài bản theo đúng quy trình thì tài sản tham ô đã được họ tẩu tán hết, dẫn đến thực trạng vụ án tham nhũng cả chục nghìn tỷ đồng nhưng bồi thường chỉ vài chục tỷ đồng, có khi họ cũng không nộp lại hết.
“Ở đây thể hiện rõ thái độ coi thường đồng tiền của nhà nước, của dân, nên thấy giữa việc nói và làm của chúng ta còn quá nhiều khoảng cách. Các nhà quản lý nên xem lại và học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý về vấn đề kê khai tài sản và chống tham nhũng.
Theo tôi, văn bản chỉ đạo, quản lý cũng đã đưa ra nhiều nhưng có làm đến nơi đến chối, cương quyết làm hay không?”.
(THeo Đất Việt)