Tiền nhiều mà để làm gì? Tiền nhiều để mà rúm ró, nhục nhã, để người đời khinh bỉ, phỉ nhổ ư?

Nhìn bộ mặt thảm não và hành vi co rúm người lại của hai nguyên bộ trưởng bộ 4T trước các quan toà trong phiên xét xử vụ đại án tham nhũng AVG – Mobifone tôi càng tâm đắc câu nói của Đặng Lê Nguyên Vũ: tiền nhiều mà để làm gì? Tiền nhiều để mà rúm ró, nhục nhã, tiền nhiều mà để người đời khinh bỉ, phỉ nhổ như vậy thì tôi thật, 3 triệu đô chứ 30 triệu đô cũng chã là gì, với người có nhân cách cái giá đó quá rẻ mạt!

Có vẻ như dân chúng đã quá hả hê về việc thời gian gần đây nhiều quan chức cấp cao phải hầu tòa mà quên rằng đó chỉ mới là số ít “các đồng chí bị lộ” bởi lẽ với cơ chế tập trung quyền lực gần như tuyệt đối và quyền lực không bị kiểm soát như hiện nay, đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng.

Bằng chứng là càng đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng tội phạm tham nhũng càng gia tăng, không chỉ số lượng mà quy mô vụ việc tham nhũng càng nghiêm trọng, tính chất sai phạm càng lớn. Cách đây khá lâu, có anh bạn làm ở một cơ quan quan trọng của trung ương khi vào QT công tác nói với tôi: bây giờ tham nhũng phải trên ngàn tỷ chứ vài trăm tỷ mà kết tội là “xúc phạm tham nhũng”!

Thật, ngày xưa nghe ai tham ô vài tỷ đã nổi da gà, nay chỉ một thương vụ mua bán dính dáng đến hai nguyên bộ trưởng đã thất thoát hơn 8000 tỷ. Rồi vụ thất thoát tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO II) có liên quan đến nguyên phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã mất mấy ngàn tỷ. Đồng ý đồng tiền Việt Nam mất giá nhưng khó đuổi kịp đà “trượt giá” của tham nhũng.

Vì sao vậy? Vì sao càng chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức thì tham nhũng càng nở rộ, đạo đức cán bộ càng xuống cấp, suy đồi? Câu trả lời quanh co không đi vào thực chất vấn đề: nào là do một số cán bộ đảng viên không chế ngự lòng tham, không chịu khó rèn luyện tu dưỡng, thiếu tinh thần phê và tự phê v.v… chỉ làm cho vấn nạn tham nhũng càng thêm trầm trọng.

Theo tôi cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: tình trạng mất dân chủ, tập trung quyền lực vào tay một vài người và thiếu công cụ kiểm soát quyền lực chính là miếng đất màu mỡ cho nạn tham nhũng sinh sôi nảy nở. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải  ngăn chặn hành vi thâu tóm quyền lực và tập trung quyền lực vào tay một nhóm người nhân danh tổ chức để thực hiện ý đồ riêng.

Dân thì gian, quan thì tham. Thể chế tù mù, pháp luật mù mờ đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hành vi gian tham nảy nở. Cứ nhìn các nước văn minh tiến bộ đủ thấy, khi người dân được tôn trọng, luật pháp minh bạch, được thượng tôn thì sự “gian”, sự “tham” được hạn chế tối đa. Còn chúng ta, đất nước mà cán bộ “như một bầy sâu”, “ăn của dân không từ một thứ gì” thì dù có chặt đầu Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và nhiều quan tham khác thì cái đầu tham nhũng kiểu Phạm Nhan vẫn nhan nhãn, nhưng nhúc…

FB Đức Truật Hoàng