Sức mạnh sát thương và tàn phá của corona virus thế nào trên cơ thể người?
Sát thương trầm trọng hai lá phổi
Về cơ bản, dịch COVID-19 bắt đầu và kết thúc đều ở phổi, bởi họ virus corona chủ yếu gây ra bệnh đường hô hấp. Con đường lây nhiễn chủ yếu do người nhiễm ho hoặc hắt hơi, làm văng những hạt dịch lỏng chứa virus sang người bên cạnh.
Về triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus corona cũng giống như các bệnh cúm thông thường. Bệnh nhân có thể phát sốt, ho, rồi tiếp tục tiến triển thành viêm phổi hoặc nặng hơn. Theo quan sát của WHO cho thấy, căn bệnh này thường tấn công phổi theo 3 giai đoạn: Đầu tiên là xâm nhập tế bào, hình thành nên ổ virus, tiếp theo là gây rối loạn hệ miễn dịch (ví dụ hội chứng bão cytokine); và cuối cùng là gây tổn thương phổi.
Giai đoạn 1, virus tấn công dồn dập tế bào phổi và chủ yếu là lớp tế bào cilia bảo vệ tế bào niêm dịch. Khi mất đi lớp bảo vệ đó, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Giáo sư Frieman cho hay, cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm cả hai lá phổi, đi kèm triệu chứng khó thở.
Tiếp tục là giai đoạn 2, trước sự xâm nhập của virus, cơ thể con người phản ứng bằng cách tăng cường tế bào miễn dịch đến phổi, khắc phục những tổn thương. Giai đoạn này, nếu hoạt động đúng thì sự xâm nhập sẽ được kiểm soát và chỉ giới hạn ở bộ phận nhiễm virus. Tuy nhiên, đôi khi tế bào miễn dịch bị kích thích quá mức, chúng sẽ giết tất cả trên đường đi, không phân biệt virus hay mô khỏe mạnh.
“Bệnh nhân càng bị tổn thương hơn bởi chính hệ miễn dịch của họ. Các chất bẩn càng tích tụ trong phổi khiến tình trạng viêm thêm xấu đi”, giáo sư Frieman giải thích.
Đến giai đoạn 3, tổn thương tiếp tục lan rộng và có thể dẫn đến suy hô hấp. Trường hợp bệnh nhân may mắn thoát khỏi “móng vuốt” này thì phổi của họ cũng đã bị tổn thương vĩnh viễn với những lỗ thủng nhìn như “tổ ong”. Đây là đặc điểm của SARS, và bệnh nhân
COVID-19 cũng bị tương tự.
Gây tổn thương gan và thận
Các bác sĩ cũng đã chứng kiến tổn thương gan ở bệnh nhân SARS, MERS và COVID-19, đa số là nhẹ nhưng nếu nặng có thể dẫn tới suy gan.
Một khi gan, phổi đã suy thì thận của bệnh nhân đó nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng. Có khoảng 6% bệnh nhân SARS và 25% bệnh nhân MERS bị tổn thương thận cấp và COVID-19 cũng có biểu hiện tương tự theo các nghiên cứu ban đầu. Dù đây không phải là biến chứng thường gặp, nhưng lại rất nguy hiểm.
Không phải ai cũng bị nặng
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng trải qua cả 3 giai đoạn, dữ liệu sơ bộ cho thấy COVID-19 gây triệu chứng nhẹ ở 82% bệnh nhân, số còn lại bị nặng hoặc nguy kịch. Chuyên gia về virus của ĐH Maryland (Mỹ), giáo sư Matthew B.Frieman, quan sát thấy bệnh COVID-19 cũng tiến triển như SARS.
Theo báo sức khỏe đời sống