Sự dã man thường ngày ở trước và sau quầy bán thuốc

Bé gái 10 tuổi, sức khoẻ tốt, ngày hè nắng nóng, đi học, mua uống đồ uống có nhiều đá lạnh – bẩn, viêm họng, sốt.

Thầy giáo gọi báo cho mẹ bé. Mẹ bé đến trường đón con về.

Mẹ bé là người lao động phổ thông, ko dư dả tiền bạc, ra NHÀ THUỐC, hỏi chị Dược sĩ bán thuốc (thường là dược sĩ trung cấp):

– Chị ơi con em bị đau họng, sốt, chị bán cho em ít thuốc với!

Chị dược sĩ bán thuốc tay lấy thuốc, miệng tiếp lời:

– Chị ra đây là chuẩn rồi đấy, tôi đưa đơn thuốc này, con chị uống chỉ 1 hai ngày là khỏi ngay!

Túi thuốc bao gồm:

1. Alaxan: Loại giảm đau hạ sốt, chuyên dùng cho đau chấn thương cơ xương khớp, cấm dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi

Alaxan có thành phần Ibuprofen, có tác dụng phụ phổ biến là gây loét, chảy máu dạ dày.

Tại sao ko phải là Paracetamol với rất ít tác dụng phụ nếu dùng đúng liều?

2. Azicine: Kháng sinh Azithromycin

3. Imexime: Kháng sinh Cefixim

Tại sao lại phải kê ngay cùng lúc 2 loại kháng sinh cho một ca viêm họng trẻ em?

4. Betamethasone: Chống viêm corticoid, có nhiều tác dụng độc hại – tàn phá dạ dày, gan, xương nếu lạm dụng, chỉ cân nhắc dùng cho trường hợp cấp cứu, viêm nặng mãn tính…

Tại sao ko chỉ đơn giản là Anpha Choay lành và phù hợp hơn?

5. Ozesol đóng chai sẵn.

Giá đắt, lãi hơn nhiều là bán Ozesol dạng gói về tự pha.

QUÁ DÃ MAN!

Người bán thuốc, vì dốt chuyên môn, vì muốn thu được nhiều tiền lãi nhờ bán nhiều loại thuốc, vì muốn thu hút khách hàng bằng cách dùng đơn thuốc cực mạnh cho hiệu quả tức thì, thành ra đã đưa ra một đơn thuốc cực kỳ độc hại, vô cùng bất hợp lý!

Chưa nói đã bán những loại thuốc bắt buộc phải có đơn thuốc do bác sĩ kê đơn, một cách vi phạm chuyên môn nghiêm trọng!

Người mẹ, vì nhận thức hạn chế, thay vì đưa con mình đi khám, ở cơ sở y tế có lưu hồ sơ sức khoẻ của con mình, để có thể nhận được đơn thuốc phù hợp với thể trạng, lịch sử bệnh tật của con mình, thì đã lao ngay ra nhà thuốc, phó mặc sức khoẻ của con mình cho người không có kiến thức chuyên môn, không có tư cách tự kê đơn thuốc.

Hệ thống y tế lạc hậu và yếu kém, bác sĩ địa phương mỏng và dốt, không hoàn thành trách nhiệm theo dõi, thăm khám, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân! Khiến người dân gần như ko thể nhận ra vai trò của bác sĩ địa phương, rồi khi ốm bệnh trông cậy hoàn toàn vào nhân viên bán thuốc, rồi bệnh trở nặng thì nhập viện tuyến huyện trở đi.

Tất cả những sự dã man này, đang diễn ra hàng ngày, trên cả đất nước ta!

Hãy bỏ ngay mô hình tổ chức ngành y tế kiểu LIÊN XÔ, phân cấp chia tuyến vô cùng lỗi thời!

Hãy tổ chức lại ngành y tế theo mô hình các bệnh viện vùng và hệ thống các phòng khám bác sĩ gia đình tại khắp các cộng đồng dân cư!

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn