Một đề Văn “dũng cảm”
Ngay khi kết thúc môn thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với nhiều giáo viên dạy bộ môn này ở nhiều trường THPT khác nhau.
Cơ bản, các giáo viên đều đánh giá đề có tính phân loại cao nhưng chắc chắn nhiều học sinh trung bình, học sinh các trường miền núi, hệ thống GDTX chỉ có nước “khóc thét” vì quá khó. Đặc biệt, họ còn cho rằng người ra đề Văn năm nay đã rất “dũng cảm” khi đề cập đến vấn đề thời sự nóng hổi một cách… rất khéo.
Ở phần đọc hiểu, các câu 1, 2, 3, học sinh trung bình có thể làm được, nhưng câu 4 “Theo anh/chị quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?” là câu khó và nếu không cẩn trọng rất có thể bị sa đà.
Tác giả viết bài thơ từ những năm 1980, khi công nghệ khai thác tiềm năng tự nhiên để phục vụ phát triển đất nước còn hạn chế, còn ngày nay, việc khai thác tiềm lực tự nhiên đang có quá nhiều vấn đề từ trên rừng xuống biển. Vì vậy, nếu không biết cân đối thời gian và giá trị điểm của câu hỏi, thí sinh rất dễ bị lan man. Đó là với học sinh xuất sắc, còn với thí sinh trung bình, khó để nhận biết và lý luận một vấn đề có tính thời sự, nhạy cảm và lớn lao như vậy.
Câu 1 (2 điểm) của phần Làm văn cũng gần như trùng với câu 4 của phần đọc hiểu trên. Dù hiểu theo cách nào, thí sinh cũng cần xác định vai trò ý thức cá nhân của mình trong việc gìn giữ và khai thác tiềm lực tự nhiên.
Một giáo viên cho hay, ngay sau khi môn thi kết thúc, một học sinh băn khoăn: “Cô ơi em nói thật, tình trạng hiện nay liệu có được chấm điểm không nhỉ?”. Học sinh của cô giáo này đã viết kiểu: “Thưa nhà thơ Nguyễn Duy! Đúng là “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực”, mới vào tiểu học cháu đã được học bài nước ta rừng vàng biển bạc. Cháu cũng nghĩ, đúng là ngày trước, “tiềm lực còn ngủ yên”. Nhưng bây giờ quan điểm của nhà thơ lạc hậu mất rồi, bác chẳng chịu update gì cả. Vì sao lạc hậu ư? Vì đơn giản là tiềm lực có còn đâu mà ngủ yên”…
Đa số các ý kiến giáo viên được hỏi đều cho rằng, sẽ tôn trọng tất cả ý kiến nghị luận của thí sinh, dù thí sinh có viết theo dạng “rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu” hay “rừng đã hết và biển thì đang chết” cũng đều được tôn trọng, miễn có lý luận thuyết phục và ý thức được trách nhiệm của mình.
Đa số giáo viên đều đánh giá tính “dũng cảm” của người ra đề khi gợi mở một vấn đề rất “thời sự” hiện nay, đó là việc khai thác tiềm năng tự nhiên trong bối cảnh nạn phá rừng hoành hành, việc khai thác khoáng sản vô tội vạ, hút cát biển bán ra nước ngoài, ô nhiễm sông suối, ao hồ, biển ngày càng nghiêm trọng…
Từ ý này, nhiều giáo viên và phụ huynh cho hay, đề tuy khó nhưng có tính phân loại cao và nó có tính lan toả, vượt khỏi khuôn khổ một đề thi. Cùng với thí sinh, đây cũng là dịp để cả xã hội cùng bàn luận về một vấn đề nhạy cảm nhưng quan trọng của đất nước.
Người ra đề rất sâu sắc, dũng cảm nhưng còn người chấm? Liệu có dũng cảm sâu sắc?
Theo Lao động