Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đứng “bét bảng” thi THPT: Có đáng hả hê trước những đứa trẻ vô tội?

Khi phổ điểm THPT quốc gia 2019 được công bố với việc 3 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình ở cuối bảng xếp hạng điểm thi trung bình của cả nước, nhiều người thốt lên “phải vậy chứ” với sự vui mừng ra mặt. Nhưng sau tất cả, điều đó có nên không?

Một năm sau “chấn động” sai phạm gian lận nặng nề trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình là những địa phương được quan tâm nhiều trước, trong và sau kỳ thi THPT quốc gia 2019. Và khi dữ liệu điểm thi được bộ GD&ĐT công bố, 3 tỉnh này ở cuối bảng xếp hạng điểm thi trung bình của cả nước, đã không ít người thốt lên “phải vậy chứ” với vui mừng ra mặt. Vậy là Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đứng “bét bảng”, điều này dường như an ủi cho những bức xúc mà dư luận dồn nén trong suốt một năm qua.

Hả hê sau giận dữ ở góc độ nào đó trong câu chuyện gian lận này là không sai. Nhưng theo người viết, sự hả hê “chụp mũ” lên nỗ lực của khoảng 24.000 thí sinh của Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình thì quả là đáng trách.

Dẫu là những con số lạnh lùng nhưng cũng nói lên được ít nhiều. So với năm 2018, điểm trung bình của Hà Giang tăng ở 4 môn, giảm 4 môn, ở Sơn La và Hòa Bình, điểm trung bình tăng ở 7 môn, giảm 1 môn.

Chắc mọi người cũng hiểu, để điểm trung bình của cả chục ngàn thí sinh nhích thêm dù 0,1 điểm đã là khó thế nào, trường hợp này lại là những tỉnh miền núi (xét trong hoàn cảnh các công tác coi thi, chấm thi cực kỳ nghiêm ngặt) thì mới thấy việc cải thiện này là đáng ghi nhận.

Hãy nhìn vào thực tế, cuộc sống những tỉnh này còn nhiều khó khăn, điều kiện ôn tập hạn chế, chuyện những bạn học sinh vượt qua hoàn cảnh, đi hàng chục km đường đá tai mèo, ở lại nhà giáo viên cùng chong đèn ôn tập… để thấy những điểm số nhích lên dù ít cũng xứng đáng được nhìn nhận công bằng hơn.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho các tỉnh miền núi. Dù vậy, điều không thể phủ nhận là khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi dù được rút ngắn nhưng vẫn còn rất lớn…

Một kỳ thi trung thực, công bằng là điều cả xã hội mong đợi. Đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã làm được điều đó. Những điểm số tốt nhất được dành cho những học sinh xứng đáng, các vị trí trong bảng thống kê điểm số 63 tỉnh/thành phố phần nào thể hiện đúng diện mạo và chất lượng giáo dục của mỗi địa phương.

Dân tộc ta có truyền thống “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, những người dính vào gian lận chắc chắn sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

Hà cớ gì chúng ta tiếp tục nhìn kết quả thi của các địa phương này bằng con mắt “kênh kiệu”, xét nét mà phủ nhận sạch trơn nỗ lực của thầy và trò nơi “tâm bão”. Đúng không các bạn?

Theo Dân trí