Sở Y tế ‘bất lực’ với phòng khám Trung Quốc lừa đảo
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu hàng loạt hành vi lừa đảo mà các phòng khám Trung Quốc áp dụng nhưng xử lý không được hoặc xử lý quá nhẹ vì ràng buộc của pháp luật.
Tại hội trường trong ngày làm việc thứ ba của kỳ họp HĐND TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn Sở Y tế về vấn đề phòng khám Trung Quốc.
Theo bà Trâm, tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân đang diễn ra ngang nhiên và xảy ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, tình trạng này ngành y tế vẫn chưa giải quyết được.
Bà Trâm nêu một ví dụ tại Phòng khám Trung Trực trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 đã tồn tại lâu nay, tuy nhiên dường như cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý với phòng khám này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận đa phần các phòng khám Trung Quốc đều gây bức xúc đối với bệnh nhân cũng như dư luận và việc xử lý vi phạm của các phòng khám Trung Quốc hiện nay còn nhiều bất cập.
Theo ông Bỉnh, trên địa bàn TP có 12 phòng khám Trung Quốc. Sở nhận được nhiều ý kiến tố giác các phòng khám này và cũng đã cho đi kiểm tra nhiều lần. Các sai phạm của các phòng khám thường là thiếu nhân lực, có bác sĩ đăng ký nhưng khi thực hiện khám bệnh cho người dân thì lại không có bác sĩ. Các hồ sơ sổ sách liên quan đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân đều không có.
Những phương thức lừa gạt tinh vi của các phòng khám này cũng được giám đốc Sở Y tế nêu ra như việc áp dụng công nghệ thông tin để lừa người bệnh. “Khi người bệnh đến khám, họ cũng chiếu lên màn hình nhưng đó không phải của người bệnh. Người đến khám không có bệnh nhưng cũng nói có bệnh để thu tiền” – ông Bỉnh nói.
Theo ông Bỉnh, do sử dụng công nghệ cao để lừa đảo nên ngay cả cán bộ kiểm tra cũng không thể nhận biết được. “Chúng tôi phải mời chuyên gia từ các bệnh viện đi cùng đoàn kiểm tra thì mới phát hiện” – ông Bỉnh cho hay.
Người đứng đầu Sở Y tế TP thông tin tiếp một chiêu thức tinh vi khác của các phòng khám Trung Quốc là dùng quảng cáo online để lừa người dân. Tuy nhiên, hiện nay Bộ TT&TT cũng chưa có quy định xử phạt những hành vi quảng cáo này.
Ông Bỉnh cũng thông tin thêm rằng chính các bác sĩ người Việt cũng tham gia tiếp tay cho các hoạt động lừa đảo của các phòng khám này. “Các bác sĩ người Việt cộng tác với các phòng khám có ghi tên nhưng thực tế là không khám bệnh ở đây. Chính các bác sĩ này cũng tiếp tay cho các phòng khám Trung Quốc lừa đảo” – ông Bỉnh nói.
Liên quan đến việc xử phạt, ông Bỉnh cho hay có nhiều bất cập. Chẳng hạn như mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ví như hành vi không có hồ sơ bệnh án chỉ phạt có 500.000 đồng.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, một bất cập khác là khi các hành vi của các phòng khám này đủ để xử phạt và đình chỉ hoạt động thì thời gian đình chỉ chỉ sáu tháng nên sau đó họ tiếp tục hoạt động trở lại. “Sở đã cho đình chỉ ba phòng khám từ bốn tháng rưỡi đến sáu tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng thì họ mở lại. Có khi đình chỉ thì họ lại mở phòng khác để người khác đứng tên. Nếu rút giấy phép hành nghề của bác sĩ Trung Quốc vi phạm thì họ lại đưa người khác sang” – Giám đốc Sở Y tế cho hay.
Với thực trạng nêu trên, ông Bỉnh kiến nghị Bộ Y tế cần tăng mức xử phạt cao hơn. Đồng thời cần phải có các phần mềm để phát hiện những hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Giải pháp trước mắt, ông Bỉnh cho hay Sở Y tế đang tập trung vào việc xử lý 12 phòng khám có yếu tố nước ngoài là các phòng khám Trung Quốc.
Đối với các bác sĩ đăng ký chữa bệnh tại các phòng khám này, nếu kiểm tra mà không có bác sĩ khám bệnh sẽ rút giấy phép hành nghề. “Đối với các phòng khám sau thời gian đình chỉ, muốn hoạt động trở lại thì phải thông qua thẩm định của hội đồng chuyên môn, đủ điều kiện hoạt động thì mới cho mở lại” -ông Bỉnh nói.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế cho biết sở này cũng phối hợp với PA83 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP) để xử lý những trường hợp thuộc thẩm quyền.
(Theo PLO)