“Đày tớ” Thanh Hóa “chịu chơi, chịu chi”

Nhiều vụ đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng các vụ lãng phí thì hình như chưa. Vì vậy, qua việc Thanh Hóa “chơi sang”, đề xuất thanh tra các lễ hội ở Thanh Hóa trước đây.

Sau vụ “hot girl thăng tiến thần tốc” đình đám trong năm 2017, xứ Thanh lại thêm một lần được nhắc tên, được người dân cả nước”ngưỡng mộ” về sự “chịu chơi, chịu chi” khi đề xuất chi 104 tỉ đồng để kỉ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Càng phản cảm hơn là đề xuất chi hơn 100 tỉ cho lễ hội này trong khi cả nước đang xót lòng về nạn lũ lụt nghiêm trọng làm ảnh hưởng hàng ngàn đồng bào ở các tỉnh phía Bắc.

Tỉnh Thanh Hóa cũng từng chịu thiệt hại nặng nề bởi nạn mưa lũ vào cuối năm 2017, mức thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Những ngày cuối năm 2017, Chính phủ đã phải xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia 328.740 tấn gạo cho tỉnh Thanh Hóa. Mới đầu tháng 5-2018, Chính phủ lại tiếp tục xuất cấp hơn 300 tấn gạo cho tỉnh để hỗ trợ nhân dân Thanh Hóa trong thời gian giáp hạt năm 2018. Từ trước đến nay, Thanh Hóa vẫn nằm trong danh sách các địa phương “thu không đủ chi”, hàng năm ngân sách trung ương vẫn phải “bơm tiền” hỗ trợ.

Vậy mà, trong khi vẫn ngửa tay xin tiền ngân sách, xin gạo dự trữ để cứu đói, cán bộ tỉnh vẫn mạnh dạn đề xuất chi cả trăm tỉ đồng chỉ để tổ chức kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa. Vẫn biết rằng đây mới là đề xuất của một cơ quan cấp sở, chưa phải quyết định cuối cùng nhưng nếu thông tin này không được đưa lên báo chí thì có thể nó sẽ nhanh chóng được thông qua một cách “đúng quy trình” và hơn trăm tỉ đồng sẽ tiêu tan cho vài ngày lễ.

Không biết những cán bộ, cơ quan khi soạn công văn đề xuất kia có bao giờ cân nhắc đến việc tìm đâu ra nguồn tiền để chi tiêu cho lễ hội này? Việc chi tiêu này có giải quyết được nhu cầu cấp bách nào của địa phương không? Nếu chi tiền cho lễ hội này thì liệu có công trình công cộng, đường xá, cầu cống nào bị đình trệ vì thiếu vốn, hay có người dân nào bị đói vì không nhận được trợ cấp hay không? Hay là họ cho rằng ngân sách là của chung nên “cha chung không ai khóc”, “tiền chùa” mình không dùng thì người khác sẽ dùng mất.

Đày tớ Thanh Hóa chịu chơi, chịu chi - Ảnh 1.
Mưa lũ ở Thanh Hóa năm 2017 làm thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng

Từ trước đến này, dường như công cuộc phòng chống tiêu cực trong Đảng và Nhà nước mới chỉ chú trọng vào phòng, chống tham nhũng mà xem nhẹ việc phòng chống lãng phí; nhiều vụ án, đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng các vụ lãng phí thì hình như chưa. Trong khi đó, có thể khẳng định rằng lãng phí cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì nạn tham nhũng. Nguy hại hơn là những thiệt hại do lãng phí gây ra có thể chưa thấy ngay được và rất khó để quy trách nhiệm lãng phí cho một cá nhân, tổ chức cụ thể; cũng như rất khó thu hồi, khắc phục thiệt hại do lãng phí gây ra.

Ngân sách suy cho cùng là tiền của nhân dân đóng góp, để có được đồng tiền nộp thuế, đa số người dân phải vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được. Có câu “cán bộ là công bộc, là đày tớ của nhân dân” nhưng nếu những công bộc, đày tớ mà thoải mái chi tiêu lãng phí như vậy thì ông chủ, bà chủ sẽ sớm “bị gậy” trong đau đớn mà thôi.

Đề nghị thanh tra các lễ hội tại Thanh Hóa

Tôi là người Thanh Hóa, thật thấy xấu hổ khi tỉnh mình được “bêu tên” trên mặt báo và các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt mấy ngày qua, chỉ vì chuyện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa “chơi sang”. Đây không phải là chuyện “chơi sang”, mà nó có vấn đề tiềm ẩn của “lợi ích nhóm”. Tôi là một doanh nghiệp, cũng thường xuyên tổ chức sự kiện, có những sự kiện mang tầm quốc gia nhưng khi được thông tin tỉnh Thanh Hóa chi 104 tỉ đồng cho các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, mà tôi thấy choáng váng. Mặc dù, đây mới chỉ là đề xuất dự chi của Sở VH-TT-DL, đồng thời đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xem xét và phê duyệt nhưng nó vẫn chưa xảy ra. Vì vậy, tôi đề nghị cấp trung ương cần can thiệp ngăn chặn hành vi tiêu cực này. Cụ thể: Đề nghị lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, phân tích, xem xét từng bảng dự toán của từng sự kiện: Kinh phí dành cho lễ kỷ niệm; kinh phí tổ chức kỷ niệm 600 năm ngày khởi nghĩa Lam Sơn; kinh phí dành cho lễ kỷ niệm 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang…; đặc biệt kinh phí dành cho hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa 23,4 tỉ đồng (dự kiến tổ chức vào tháng 4-2019)…và các sự kiện khác. Đây không chỉ là việc kiểm tra các nghi vấn về việc kê giá khủng để ăn chia mà còn góp phần làm trong sạch những tư tưởng, ý kiến chuyên bòn rút ngân sách, của công để tư lợi cho cá nhân thông qua các lễ hội

Vũ Xiêm

(Báo Người Lao Động)