Sau thời gian gây hấn: TQ đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Một tổ chức nghiên cứu Mỹ nói dữ liệu hàng hải cho thấy tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vừa rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau hơn một tháng vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

Kể từ đầu tháng 7/2019, các tàu Trung Quốc đã ngang ngược xâm phạm bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam với lý do để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Trong khi đó Mỹ cũng lập tức tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông, thách thức các yêu sách hàng hải của Trung Quốc.

“Dữ liệu theo dõi tàu bè cho thấy tàu khảo sát Trung Quốc lúc này đã ra khỏi EEZ của Việt Nam, nhưng ít nhất 2 tàu hộ tống vẫn còn hiện diện ở khu vực khảo sát”, nhà phân tích kỳ cựu Devin Thorne tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (C4ADS, Mỹ) khẳng định với Reuters hôm 7.8 khi dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Windward.

“Các tàu Việt Nam theo dõi tàu Hải Dương Địa chất 8 khi tàu này trở lại Đá Chữ Thập và bây giờ dường như đang lảng vảng ở bên ngoài EEZ của Việt Nam”, ông Thorne nhận định. Đá Chữ Thập nằm trong số 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Đá Chữ Thập là 1 rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa (H.Trường Sa, Khánh Hòa) của Việt Nam, nằm cách biệt về phía tây nam của cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đầu năm 1988 cho đến nay. Trung Quốc đã cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, ông Thorne lưu ý hiện không rõ liệu tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 có ý đồ quay trở lại EEZ của Việt Nam hay không.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã có những hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 4.7.

Trước diễn biến căng thăng tại Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích hành vi cưỡng chế của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, tuyên bố không nên để các vấn đề hàng hải liên quan đến Việt Nam ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc – Việt Nam.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 hôm 2.8 và hội nghị với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc,… Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh liên tục nêu quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Sau khi kết thúc đợt hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam mạnh với báo chí: “Biển Đông vốn luôn là nội dung được trao đổi tại các hội nghị ASEAN. Lần này, do tình hình diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nước”. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại hội nghị về vấn đề Biển Đông rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị, nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước.

Tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc. (Hình: Gulf Times)

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel và 4 thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã lần lượt ra tuyên bố lên án hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8. “Tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả tàu khỏi vùng biển của các nước láng giềng và chấm dứt những chiến thuật dọa nạt phi pháp”, ông Engel nhấn mạnh.

Trong ngày 6/8, Philippines cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm để thảo luận về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông bằng “đường 9 đoạn” do nước này đơn phương vẽ ra, dù đã bị Tòa PCA bác bỏ trong phán quyết năm 2016.

Phán quyết đó đã vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc, cái gọi là “đường 9 đoạn” của họ, đối với chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các tuyến đường thủy bận rộn và giàu tài nguyên này.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc gặp với người đồng cấp tại Australia trong ngày 4/8. Tại đây, Mỹ và các nước lên tiếng lo ngại Trung Quốc sử dụng viện trợ như một “vũ khí” nhằm mở rộng ảnh hưởng đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực Thái Bình Dương, nơi có các đại dương rộng lớn với nguồn tài nguyên dồi dào.

Cũng trong ngày 7/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam của phía Trung Quốc khi nước này tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

(Nguồn: Người Việt)