Phù phép nâng “khống” điểm thi: “Cả xã hội đang chờ sự quyết liệt của Bộ Giáo dục”
“Cả xã hội đang chờ xem cách xử lý của Bộ GDĐT và đó cũng là cơ sở để người dân đánh giá sự quyết tâm của Bộ GDĐT trong trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và đổi mới cải tiến thi cử nói riêng”
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM trao đổi với VietNamNet sau kết quả gây “bàng hoàng” từ việc rà soát điểm thi cao bất thường của địa phương này.
Tối 17/7,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Đức Nghĩa, ông nghĩ gì về sai phạm thi THPT quốc gia ở Hà Giang vừa được Bộ GD-ĐT công bố?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi thực sự phẫn nộ khi đọc các số liệu liên quan đến sửa, nâng điểm thi cho hàng trăm thí sinh với hàng trăm bài thi được nâng điểm.Thủ phạm quá xem thường dư luận, chà đạp niềm tin của xã hội vào giáo dục và phá hoại công sức của hàng chục ngàn thầy cô giáo và cán bộ quản lý trong công tác tổ chức thi và coi thi, của gần 1 triệu thí sinh dự thi
Là người nhiều năm gắn bó với công tác thi cử, tuyển sinh, từng xử lý một số sai sót và cả sai phạm, tiêu cực trong thi và tuyển sinh, nhưng tôi thật sự hụt hẫng khi thủ phạm lại tự tin gian lận thi cử ở quy mô như vậy.
Cả xã hội đang chờ xem cách xử lý của Bộ GDĐT và đó cũng là cơ sở để người dân đánh giá sự quyết tâm của Bộ GDĐT trong trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và đổi mới cải tiến thi cử nói riêng.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT công bố chỉ một mình ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Thời gian 6 giây ông Lương sửa xong một bài thi. Ông có nghĩ chỉ một mình ông Lương có thể làm được việc này?
Việc một phó Trưởng phòng khảo thí can thiệp vào kết quả thi thì đó chỉ là người trực tiếp vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm này liên quan đến hơn 100 thí sinh chứ không chỉ vài thí sinh thì chắc chắc vụ việc phải có chuẩn bị trước, mới có thể quy tụ tập hợp lên danh sách được một số đông thí sinh như vậy.
Trước hết, không thể nói những cá nhân là thành viên của tổ chấm trắc nghiệm là vô can, cần truy cứu vai trò của từng người.
Cần xác định được trách nhiệm của lãnh đạo Sở GDĐT Hà Giang, và đặc biệt xác định được các phụ huynh, thí sinh liên quan đến đường dây này. Còn rất nhiều câu hỏi đặt ra như Vũ Trọng Lương có từng gian lận thi cử những năm trước đây hay không, và liệu còn có những “Vũ Trọng Lương” ở các Sở GD-ĐT khác hay không?
Theo ông cần phải xem xét việc vi phạm trách nhiệm ở sự kiện này ra sao?
Cần xác định các cá nhân và tổ chức (nếu có) liên quan đến tội phạm này. Những kẻ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm minh đích đáng, và những người lãnh đạo trực tiếp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Về phía học sinh, tôi cho rằng, phụ huynh chịu trách nhiệm chính khi dùng tiền bạc hay quyền lực để mua điểm cho con em mình theo cách đó, và cũng phải xử lý trước pháp luật.
Bộ đã xử lý đối với các thí sinh nằm trong danh sách sửa nâng điểm là: “Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang công bố ngày 11/7/2018. Kết quả chấm thẩm định này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2018 theo quy chế”. Ông có ý kiến gì về cách xử lý này?
Có 2 cách xử lý đối với thí sinh. Một là, trả về điểm thi đúng cho các em vì rất có thể thí sinh chỉ là trò chơi của người lớn.
Hai là, huỷ bài thi, cho tất các các bài đó điểm 0 vì vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử (gian lận trong chấm thi và xử lý kết quả thi).
Nhiều người đang đặt câu hỏi sai phạm này liệu chỉ có xảy ra mình ở Hà Giang hay không. Chưa rõ nét nhưng đã có một số thông tin một số thí sinh ở địa phương khác có điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học khá cao nhưng thi thử hay các môn tốt nghiệp không cao. Ông có nghĩ rằng, với công cụ là dữ liệu và CNTT trong tay, Bộ GD-ĐT có thể xác định nghi vấn ở những nơi khác và rà soát?
Về mặt kỹ thuật, kỳ thi đã được áp dụng các công cụ công nghệ thông tin khá cao.
Nên nhớ có đến 8/9 môn thi là môn thi trắc nghiệm, từ khâu ra đề, in sao, đến thí sinh làm bài trên phiếu trả lời, chấm quét, xử lý điểm …. được “số hoá” ở mức độ cao.
Do vậy khi rà soát lại hoàn toàn có khả năng “truy lại dấu vết” của những can thiệp từ bên ngoài vào quá trình. Tất nhiên, thủ phạm chắc chắn cũng nghiên cứu kỹ quy trình thi, chấm thi để tìm kẽ hở mà thực hiện hành vi tiêu cực. Vấn đề ở đây là các bộ phận phụ trách phải kiểm tra, giám sát và nhạy bén trong nghiệp vụ để phát hiện các bất thường ở tất cả các khâu thi và tuyển sinh, không chỉ riêng trong một khâu coi thi.
Dĩ nhiên, hiện nay tiêu cực như ở Hà Giang chưa phải là tràn lan, nhưng không thể để có một “Hà Giang thứ hai” nữa để bảo vệ tính công bằng cho một kỳ thi có quy mô lớn nhất nước.
Cần tiếp tục rà soát những địa phương có dấu hiệu nghi ngờ, nghiêm trị những đối tượng có liên quan. Tôi tin là nhân dân cả nước không ai chấp nhận sự gian lận trong thi cử, và đây chính là dịp để Bộ GDĐT thể hiện sự kiên quyết trong bảo vệ uy tín, tính nghiêm túc của một kỳ thi quan trọng cho gần một triệu thí sinh.
Hiện nay, việc tổ chức thi THPT quốc gia đã giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức. Theo ông khi chấm thi có nên chấm chéo giữa tỉnh này với tỉnh khác để tránh tình trạng xảy ra như Hà Giang hay không?
Việc chấm chéo giữa các địa phương cũng được thực hiện trong vài năm khi còn kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Tuy nhiên, năm 2011 đã phát hiện “liên minh ma quỷ” của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên sau đó Bộ GDĐT không tổ chức chấm chéo nữa.
Hiện nay công nghệ thi cử cũng đã khác rất nhiều so với cách đây 10 năm. Có đến 8/9 môn là thi trắc nghiệm, được chấm bằng máy chấm quét, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng trong các khâu tổ chức thi, đề thi, coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp và cả trong xét tuyển vào các trường đại học tiếp theo ngay sau đây. Tuy nhiên vẫn xảy ra tiêu cực như Hà Giang.
Để từ đó chúng ta thấy con người vẫn là yếu tố quyết định. Thủ phạm ở Hà Giang có lẽ không ngờ năm nay mặt bằng điểm thi chung năm nay thấp và không những thế số lượng thí sinh điểm cao cũng giảm rất mạnh (số thí sinh điểm 10 năm 2018 chỉ còn 10% so với 2017, lại tập trung ở môn Giáo dục công dân). Nếu không “tham lam” đẩy điểm thi lên quá cao so với mặt bằng chung của cả nước thì việc phát hiện bất thường khó hơn.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
(Theo Vietnam net)