Một mình ông Lương không thể làm được việc nâng điểm

Một thầy giáo đại học cả đời làm giáo dục cho rằng: Một mình ông Lương không thể làm được việc nâng điểm.

Kết quả thi vào HVAN của lính nghĩa vụ ở Lạng Sơn (được lan truyền trên mạng)

Bài thi của thí sinh được hai cán bộ coi thi thu lại, làm biên bản thu nhận bài thi rồi cho vào bì, niêm phong tại chỗ. Các bì chứa bài thi này được đưa vào thùng, tiếp tục niêm phong và có chữ ký của cán bộ điểm thi, phó điểm trưởng do ĐH phụ trách và cán bộ an ninh. Nơi tập kết bài thi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt, khóa, niêm phong cửa ra vào, có lực lượng công an bảo vệ.

Bước tiếp theo, với các môn thi trắc nghiệm, thùng đựng phiếu trả lời của thí sinh chỉ được mở trước sự giám sát của thư ký hội đồng chấm thi, phó ban chấm thi do đại học phụ trách và cán bộ an ninh. Ngoài ra, sẽ có một cán bộ thanh tra điểm thi giám sát quá trình mở thùng và túi đựng bài thi này, kiểm tra các chữ ký tại mép niêm phong có giống như chữ ký đã đăng ký hay không. Mọi thủ tục được hoàn thành, túi đựng bài thi mới được cắt ra, lấy phiếu trả lời trắc nghiệm cho vào máy quét (dạng ảnh), lưu dữ liệu vào một đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT trong thời gian quy định.

Trong quá trình chấm, với những bài thi bị lỗi do quăn mép, nhăn…, các cán bộ sẽ có xử lý riêng, tất cả được đều được lập biên bản, lưu trữ dữ liệu trước và sau khi xử lý để đối chứng. Sau khi đã quét xong trắc nghiệm lấy dữ liệu ban đầu, phiếu trả lời lại được đưa vào túi, cho vào thùng, niêm phong và lưu trữ nghiêm ngặt.

Khi có đáp án, Bộ GD-ĐT đồng thời gửi phần mềm cho các hội đồng chấm thi để họ tiến hành chấm trắc nghiệm. Kết quả được gửi ngay về Bộ GD-ĐT để tổng hợp, công bố.

Ở Hà Giang, Phó phòng Khảo thí đã khai thác sơ hở ở khâu chuyển từ fiel ảnh sang fiel Excel, fiel text. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả đáp án, Vũ Trọng Lương đã tải toàn bộ đáp án về, chuyển sang fiel Excel và lưu vào trong máy.

Căn cứ vào tin nhắn nhờ vã, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính, cho điểm vào số báo danh đã định rồi đem máy tính đến chỗ phòng quét và xử lý trắc nghiệm. Trong quá trình xử lý trắc nghiệm, Lương đã tiến hành thao tác để sau khi đã quét được fiel ảnh và chuyển sang fiel Excel, thì lấy kết quả đã sửa điểm trước đó để dán thay vào file text. (Quá trình yêu cầu Lương thực hiện lại hành vi, tổ công tác có quay lại toàn bộ và cho thấy chỉ mất khoảng 6 giây để thực hiện cho một trường hợp).

Vũ Trọng Lương thú nhận, từ 12 giờ đến 14h38, Lương đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi trắc nghiệm và máy tính về đặt tại phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở. Trong khoảng thời gian hơn 2 giờ, Lương đã mở khóa niêm phong, rút bài thi ở các túi và tẩy xóa, sửa lại theo đáp án của Bộ GD-ĐT để hợp lý hóa bài thi.

Với quy trình như nêu trên, không cho phép cá nhân nào đơn phương tiếp cận bài thi thì một mình Lương không thể thực hiện được việc nâng điểm thi. Tuy nhiên, quy chế thi đã bị “ngó lơ” để một mình Lương toàn quyền tiếp cận bài thi, chấm thi trong hơn 2 giờ đồng hồ. Với công nghệ hiện nay, 2 giờ sẽ làm được nhiều việc không tưởng.

Câu hỏi đặt ra cho cơ quan Công an và Thanh tra Bộ GD-ĐT là: Sự “ngó lơ” ấy có sự dàn xếp của Hội đồng thi Hà Giang không? Nếu có thì nhằm mục đích gì, có tiêu cực không? Những số báo danh được nâng điểm và tin nhắn của người nhờ vã có tiêu cực không? Dẫu không chứng minh được tiêu cực thì cũng là đồng phạm trong hành vi vi phạm Luật giáo dục – đào tạo thì bị xử lý ra sao?

Cùng với vụ Hà Giang, Bộ GD-ĐT thừa sức để lọc ra sự “bất thường” trong phổ điểm thi của các tỉnh, thành khác mà giới khoa học đã chỉ rõ như Lạng Sơn, Sơn La… để thanh tra, chấm phúc tra trả lại sự công bằng cho thí sinh cả nước.

Tất nhiên, không chỉ có năm nay mà cả những năm trước tổ chức thi như hiện nay, mạnh dạn thanh lọc những thí sinh không xứng đáng để lấy lại uy tín của Bộ. Không làm được như vậy Bộ GD-ĐT sẽ bị lên án.

(Theo Mo Lang)