Ông Dương Trung Quốc: Con ông cháu cha gian lận điểm làm mục ruỗng bộ máy
Ông Dương Trung Quốc: “Tôi cho rằng, việc này cần phải phanh phui ra xem sự việc này chỉ giới hạn ở một hiện tượng hay trở thành khá phổ biến”.
Hiện dư luận rất bất bình về hiện tượng con của lãnh đạo ở một số địa phương được “cấy điểm” trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay.
Trước thực trạng con này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Theo Dương Trung Quốc: “Trước hiện tượng “cả nhà làm quan” diễn ra lâu nay, tôi từng đề cập tới nhiều gia đình cha truyền con nối, có những giá trị sở trường.
Thí dụ như cụ Tôn Thất Tùng thì có con là Tôn Thất Bách rất giỏi trong ngành y.
Ở Ấn Độ, ông Nehru có con, cháu đều được làm Thủ tướng… nhưng đấy phải là những giá trị thực.
Hiện nay sau khi phát hiện con lãnh đạo được sửa điểm thì cái nhìn về hiện tượng cha truyền con nối, dòng họ, cả nhà làm quan rõ ràng đang có yếu tố tiêu cực trong đó”.
Phân tích rõ hơn về sự nguy hại của hiện tượng này, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Vì bộ máy chính quyền quản lý không tốt đã tạo ra những hiện tượng gian lận, điều này sẽ là nguy hại rất lớn cho đất nước.
Việc gian lận không chỉ lấy mất cơ hội của nhiều người có tài mà còn gây nguy hại lâu dài cho đất nước khi bộ máy có những thành viên được dựng lên nhờ sự gian dối, năng lực yếu kém.
Rõ ràng nếu như sự gian dối ấy không bị phát hiện thì sẽ còn gây ra phản ứng tiêu cực dây chuyền từ đời này qua đời khác. Những yếu tố tiêu cực ấy nó làm mục ruỗng bộ máy của chúng ta”.
Sự lo lắng của vị Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cũng đang là mối lo chung của xã hội, khi mà có hàng trăm bài thi được sửa điểm một cách trắng trợn, trong đó khá nhiều trường hợp rơi vào con, em lãnh đạo ở địa phương.
Điều đáng hổ thẹn là những sai phạm ấy lại do chính một số cán bộ trong ngành giáo dục gây ra.
Cuối cùng vị đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai nhấn mạnh rằng: “Qua việc này cho thấy hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ, cha truyền con nối, con ông cháu cha có chứa đựng rất nhiều yếu tố tiêu cực chứ không thuần túy yếu tố tích cực, yêu tố truyền thống.
Tôi cho rằng, việc này cần phải phanh phui ra hết, phải làm thật rõ xem sai phạm ấy chỉ chỉ giới hạn ở một vài hiện tượng hay đã trở thành khá phổ biến rồi?
Chúng ta phải làm dứt khoát để còn biết mà chấn chỉnh lại. Chúng ta không thể chỉ bịt lỗ rò mà cần phải khắc phục lại cả hệ thống, bộ máy”.
(Theo Giáo Dục)