NÓI THẲNG: Từ chức đi, đừng xin lỗi nữa!
Tháng 8 năm ngoái, 2 lãnh đạo ngành đường sắt Ấn Độ là Bộ trưởng Đường sắt Suresh Prabhu và Chủ tịch Ban Đường sắt A K Mittal cùng lúc từ chức để nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ tai nạn gây nhiều thương vong trước đó.
Tại Việt Nam, mới đây, liên tiếp 4 ngày xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 28-5.
Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đưa ra một số nguyên nhân về các vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra, đồng thời xin nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức kỷ luật với Bộ trưởng Bộ GTVT.
“Tư lệnh” ngành GTVT Nguyễn Văn Thể cũng “xin chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, xin lỗi gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đường sắt vừa qua; đồng thời xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo để xảy ra nhiều yếu kém trong thời gian qua”.
Tạm nhận đến đó rồi thôi, lãnh đạo tổng công ty xin chịu trách nhiệm trước bộ trưởng còn bộ trưởng cũng xin chịu trách nhiệm trước cấp cao hơn nữa!
“Xin chịu trách nhiệm” thì cần nói rõ sẽ phải “chịu trách nhiệm” gì? Cách chức? Giáng chức? Điều chuyển? Nếu không giải quyết ngay câu chuyện trách nhiệm kể trên thì mọi sự sẽ trôi qua êm đẹp khi sự tức giận của dư luận lắng xuống và như thế, bức tranh ngành đường sắt nói riêng và GTVT nói chung sẽ mãi mãi u ám, cho dù có trút bao nhiêu tiền đầu tư vào đó.
Khi ngợi khen những cá nhân lãnh đạo có liên quan kể trên đã tự giác nhận lấy trách nhiệm thuộc về mình thì cũng phải nói thẳng thắn hơn rằng nếu có dũng khí thì hãy đệ đơn xin từ nhiệm, từ chức. Chỉ có từ chức mới là biểu hiện rõ ràng nhất, đầy đủ nhất của tinh thần chịu trách nhiệm.
Năm 2004, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ xin từ chức vì để xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh. Hai năm sau, Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình theo chân ông Ngọ vì ngành GTVT dính quá nhiều phốt lớn, như vụ PMU18, lật tàu E1, nứt hầm chui Văn Thánh… 10 năm sau, năm 2016, lần đầu tiên ngành đường sắt có lãnh đạo xin từ chức, nghỉ trước tuổi hưu là ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR. Ông Thành nêu lý do nghỉ là “cá nhân” nhưng các nguồn tin trong ngành nói ông “đi trước một bước” bởi sắp bị điều chuyển sang công việc khác vì dính dáng các vụ bê bối như đề xuất mua toa tàu cũ từ Trung Quốc hoặc quyết định cho VNR góp vốn, kinh doanh ngoài ngành – theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Kể ra như vậy để các vị quan chức có tự trọng thấy rằng từ chức vừa là hành động văn hóa ở chốn quan trường vừa là chuyện bình thường trong bộ máy công quyền chứ chẳng phải là điều gì mới mẻ, xa lạ. Trong hàng loạt vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vừa xảy ra, phải chỉ rõ trách nhiệm trực tiếp và cao nhất chính là ông Chủ tịch Hội đồng thành viên và tập thể lãnh đạo VNR!
Chức vụ thường gắn với lợi ích vật chất, do vậy ngay cả khi địa chỉ trách nhiệm đã sờ sờ ra đó song không phải ai cũng can đảm viết đơn xin trả ghế. Hành động đồng loạt từ chức của 2 lãnh đạo ngành đường sắt Ấn Độ vào tháng 8-2017 như đã kể trên được dư luận thế giới dành cho nhiều lời khen và ngay sau đó được Chính phủ Ấn Độ đồng ý cho nghỉ. Trông người mà ngẫm đến ta, các vị quan chức hữu trách đừng lo rằng lá đơn từ chức của mình sẽ không được cấp trên đồng ý hoặc là nếu mình nghỉ thì lấy ai làm việc. Đừng lo, nhân tài xứ ta nhiều lắm!
Và, nếu dám từ chức thì cũng phải hết sức dứt khoát. Chớ làm như một ông phó chủ tịch quận ở TP HCM, nộp đơn từ chức xong, đến khi được cấp trên đồng ý cho nghỉ rồi thì ông lại nộp đơn… xin không từ chức nữa, vì muốn “tiếp tục cống hiến” (!).
Kẻ sĩ thường không nói hai lời, mà phải “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”.
Để chờ xem!
Nguồn: Người Lao Động