NÓI THẲNG: Bái phục cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Dân phượt chuyên nghiệp cũng phải ngả mũ bái phục cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khi một năm ông này công du nước ngoài 163 ngày, ngốn không biết bao tiền ngân sách
Mấy ngày qua dư luận xôn xao khi Thanh tra Chính phủ công bố việc cán bộ của vài bộ và vài địa phương đi nước ngoài, đã ngốn hết 1.004 tỉ đồng.
Trong con số khủng khiếp này, cái tên “Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương” nổi bần bật khi có năm ông này đi nước ngoài hết 163 ngày – công du nhiều đến mức bị gọi bằng cái tên là bộ trưởng bộ… công du.
Dân cư mạng đem chuyện ông Hoàng ra bàn tính: Một năm có 365 ngày. Mỗi ngày ông Vũ Huy Hoàng ngủ 8 tiếng, vậy là mất 122 ngày. Còn lại 243 ngày. Thứ Bảy, Chủ nhật không phải làm việc, một năm có tới 104 ngày. Vậy ông Hoàng còn lại 139 ngày. Rồi 12 ngày phép năm, 9 ngày lễ tết, ông Hoàng còn lại có 110 ngày. Vậy mà ông Hoàng đi nước ngoài hết 163 ngày, là âm luôn vào thời gian ngủ nghỉ và không thể làm việc”.
Dĩ nhiên, cách tính “ăn gian” này chỉ là đùa cợt bởi ông Hoàng đi nước ngoài quá nhiều – nhiều hơn cả dân phượt chuyên nghiệp.
Dân phượt khắp thế giới có lẽ phải ngả mũ bái phục ông Vũ Huy Hoàng bởi khả năng đi nhiều, đi khỏe khi mà các chuyến đi này rơi vào hoàng hôn nhiệm kỳ, khi ông Hoàng đã gần 60 tuổi.
Trên lý thuyết, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực xúc tiến thương mại, lo “đầu ra” nên việc ông Hoàng thường xuyên đi công tác nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng đi với tần suất của một đại phượt thủ, với một nửa thời gian trong năm ở nước ngoài, rõ ràng là “có vấn đề”. Ở một góc nhìn trần trụi, công du kiểu này chỉ là một dạng thức “tham nhũng thời gian”.
Tôi dự khá nhiều hội nghị cấp bộ, ngành tổ chức, thấy có một điều khá liên quan với cái cách mà ông Hoàng đi nước ngoài. Ví dụ, các đơn vị ở Hà Nội tổ chức sự kiện ở miền Nam, hội nghị gói gọn trong một ngày nhưng tất cả các đại biểu sẽ nhận khách sạn (thường là 4 – 5 sao) vào chiều hôm trước, hôm sau hội nghị rồi sáng ngày kế tiếp mới trả phòng.
Thực tế thì hội nghị một ngày nhưng nhờ tổ chức “gối đầu – chồng đuôi” nên các thứ thanh toán rồi công tác phí sẽ là… 3 ngày. Rất có thể, ông Vũ Huy Hoàng và các thuộc cấp chưa hẳn đã ở trọn 163 ngày tại nước ngoài mà con số này chỉ là để “thanh toán cho tròn”?.
Và để cho tròn, kinh phí đi công tác nước ngoài của Bộ Công Thương trong 5 năm gần gấp đôi Bộ Tài chính, với số người đi gần gấp ba. Ngốn ngân sách kinh khủng, nhưng kết quả của những chuyến công du của “phượt thủ Vũ Huy Hoàng” là gì?
Rất khó để tìm thấy những thông tin liên quan về kết quả những chuyến đi này. Và, trên thực tế, Bộ Công Thương là đơn vị có nhiều cơ quan đại diện ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ đơn vị nào, dưới hình thức các cơ quan thương vụ.
Bộ trưởng suốt thời gian làm việc cứ công du nước ngoài; không biết đã học hỏi được kinh nghiệm gì mang về phục vụ đất nước. Nhưng, những cái lồ lộ ai cũng thấy. Đó là ngoài hàng chục dự án đội vốn, đắp chiếu vì không thể hoạt động, gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng; những vụ đại án kinh tế; những quyết định bổ nhiệm nhân sự bị hủy bỏ sau nhiệm kỳ…
Bộ trưởng và bộ sậu vi vu “đi phượt”, đầu ra chẳng thấy đâu chỉ thấy hết dưa hấu đến rau củ, lớp cho bò ăn lớp đem đổ bỏ. Sau những chuyến công du là ngành chăn nuôi heo sụp đổ, ngành nuôi bò điêu đứng, lúa gạo xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, biến Việt Nam thành nước bảo đảm an ninh lương thực cho nước ngoài.
Sau khi cùng vài người trong bộ sậu bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận “thiếu gương mẫu”, “thực hiện không đúng quy định bổ nhiệm cán bộ” và “báo cáo không trung thực”, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị cách chức “nguyên” và bị kỷ luật. Dĩ nhiên, cái kỷ luật này chẳng thấm vào đâu so với những hậu quả mà ông này gây ra.
Người dân cảm thấy xót cho tiền ngân sách khi bị những người lúc đương chức như ông Hoàng vung tay tiêu xài. Đến khi về hưu, ngân sách lại phải tốn thêm một khúc để tổ chức ban bệ, họp hành xử lý họ.
Mà xử lý kiểu này, xin nói thẳng, chỉ gãi ngứa những phượt thủ… công du!
(Theo Lao dong)