Tin mật: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bỏ phiếu ‘kiêm chủ tịch nước’?
Buổi chiều ngày 30 tháng Chín năm 2018, một tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính trị rốt cuộc đã họp bàn về các phương án nhân sự cho cái ghế chủ tịch nước, TBT Nguyễn Phú Trọng có thể là ứng cử viên duy nhất chứ chẳng hề là những cái tên ủy viên bộ chính trị khác đã được dư luận nội bộ bàn tán xôn xao vào những ngày gần đây.
Tin tức trên hiện ra trong bối cảnh đang tồn tại hai kịch bản ‘chỉ định một ủy viên bộ chính trị không phải tổng bí thư làm chủ tịch nước’ và ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’.
‘Chân gỗ’ và ‘chân thật’
Kịch bản thứ nhất, và là kịch bản đầu tiên được dư luận chú ý, đã khá xáo động kể từ sau ngày CTN Trần Đại Quang qua đời, với những cái tên được xướng lên như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch…, thậm chí có thể bầu bổ sung nhân vật đang giữ chức quyền chủ tịch nước hiện thời là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cho đến trước buổi chiều ngày 30/9, vẫn chẳng có thông tin gì về việc Bộ Chính trị tổ chức họp về phương án nhân sự chủ tịch nước.
Vào buổi sáng 28/9, trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khoá XII diễn ra vào tuần tới’, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh – đã thông báo thật lấp lửng và không thiếu hàm ý: “Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ” (phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước). Trong khi đó, lại có thông tin cho biết kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ đang chiếm ưu thế và xác suất xảy ra đến 70%. Thậm chí thông tin này còn dự đoán chính ông Nguyễn Phú Trọng, chứ chẳng phải ai khác, sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước. Hẳn vào thời điểm đó, phương án nhân sự trám vào ghế chủ tịch nước đã được bí mật ‘chốt’ trong một căn phòng nào đó, với chỉ một ít quan chức cao cấp biết với nhau.
Theo đó, một khả năng lớn đang hiện hình: tại Hội nghị trung ương 8, nếu xuất hiện hiện tượng một số ủy viên trung ương đồng loạt xướng lên quan điểm cần ‘nhất thể hóa’ hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư với lý do chủ yếu ‘có lợi cho dân tộc và nhân dân’, có thể cho rằng Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’ trong một kịch bản tổ chức một chiến dịch PR cho TBT Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình – nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và cả những phương án Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch… cũng chỉ là một thủ thuật ‘chân gỗ’ theo truyền thống thủ đoạn ‘làm nhân sự’ – điều được thực hiện tương tự như cái cách ‘đưa ra nhiều ứng cử viên cho chức tổng bí thư nhưng đến giờ chót chỉ chọn một người’ ngay trước đại hội 12 của đảng và ứng cử viên ở vào thế ‘độc cô cầu bại’ đó, chẳng phải ai khác, chính là ‘chân thật’ TBT Nguyễn Phú Trọng.
Huy Đức lại ‘vận động’ cho TBT Nguyễn Phú Trọng?
Cũng vào ngày 30/9 khi xuất hiện tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính trị đã họp bàn và bỏ phiếu ‘nhất trí cao’ dành chức ‘chủ tịch nước kiêm tổng bí thư’cho ông Nguyễn Phú Trọng, Huy Đức đã đưa lên facebook của blogger này bài ‘Nhất thể hóa’, với lời mào đầu:
“Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống.”
Gần 4 năm sau Đại hội 12, có thể cho rằng đây là lần thứ hai Huy Đức tung ra một bài viết có trọng lượng với quan điểm vận động sự ủng hộ cho ‘người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam’, dù trong bài viết này không hề nhắc đến cái tên Tổng bí thư Trọng – người đã chiếm thế thượng phong sau khi tái cử tổng bí thư tại đại hội 12 đầu năm 2016, được tụng ca như ‘Người đốt lò vĩ đại’ và ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ sau vụ chỉ đạo bắt Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào cuối năm 2017.
“Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua”. Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.” – vẫn Huy Đức viết trong bài ‘Nhất thể hóa’.
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về “ai sắp bị bắt” hay “ai sắp chết”… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm. Vào giữa năm 2017, chỉ một dòng status lấp lửng của cây bút quá thâm này về số phận đại gia Trần Bắc Hà đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam suýt rơi vào hoảng loạn và lao dốc khiến mất đi 2 tỷ USD vốn hóa.
Rất có thể, bài ‘Nhất thể hóa’ của Huy Đức là sự tiếp nối cho cuộc họp của Bộ Chính trị về ‘hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’ mà đã đưa đến kết quả ‘tôi không bất ngờ’ dành cho TBT Nguyễn Phú Trọng, khác nhiều với tán thán ‘tôi bất ngờ!’ của chính ông ta sau khi loại được Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để tái cử tổng bí thư tại đại hội 12.
Bài ‘Nhất thể hóa’ của Huy Đức cũng xuất hiện sau khi hình thành một luồng dư luận vận động khá nhiệt tình cho đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay trước khi Hội nghị trung ương 8 diễn ra.
Cứ theo cách trên cùng một bàn tay đạo diễn bí ẩn nào đó, Hội nghị trung ương 8 sẽ là một dịp để 200 ủy viên trung ương bày tỏ lòng trung thành với người sắp ngồi vào ghế trống do CTN Trần Đại Quang thình lình để lại. Và gần 500 ‘nghị gật’ trong kỳ họp tháng 10 – 11 năm 2018 cũng sẽ không thoát khỏi phận ‘cừu’, dù một số trong đó có thể vẫn ấm ức trong lòng.
Cũng theo đó, vai trò ‘quyền chủ tịch nước’ của ủy viên trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh có lẽ chỉ có được tuổi thọ vỏn vẹn một tháng.
(Theo VOA)