Những nụ cười hả hê & tận cùng của thói vô liêm sỉ
Các phiên tòa xử gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La… đã và đang phô bày ra những gì ghê sợ nhất ở nơi dạy lễ nghĩa, dạy người – thuộc hàng tôn nghiêm nhất: nhà trường; với những con người vốn được xã hội, truyền thống, văn hóa Việt kính trọng nhất: thầy cô.
Ở những nơi đó, với những con người đó, cả dư luận bật ngửa ra khi chính bà Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình) nói huỵch toẹt: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
Có lẽ vì vậy, trước, trong và sau khi tòa tuyên án, những vị gọi là thầy cô này biện luận đủ lý do mình phạm tội: nể nang, thương học trò, mở ra cơ hội vào đại học cho học sinh tỉnh mình… Hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng đã được chi ra mỗi trường hợp nâng điểm sau những biện luận xin nói thẳng là ai cũng biết dối trá đó.
Phiên tòa của họ không chỉ dư luận chung mà còn có gia đình, đồng nghiệp và cả học trò họ, kể cả những đứa học trò được nâng điểm theo dõi – họ biết tẩy đen trắng ra sao. Vậy mà họ vẩn cứ dối trá không ngượng miệng, không biết mắc cỡ/xấu hổ – không biết sỉ.
Và họ cười hể hả, đắc thắng thật sự trước dư luận với hai ngón tay victoria (chiến thắng).
Chúng ta lâu nay hình như chỉ dạy “cần kiệm liêm chính” mà không chú ý dạy sỉ: việc tự nhục nhã, mắc cỡ/xấu hổ khi làm chuyện xấu xa, làm trò khốn nạn.
Một bài báo trước 1975 ghi chép một chuyện thời Pháp: “Có một chuyện đáng “đánh dấu” là ông Hội đồng Hượt (ông Năm Hượt, anh của ông Bảy Kiệu và ông Nguyễn Văn Hảo, chủ rạp hát) là hội viên Hội đồng Quản hạt (có thể nói là tương đương với Nghị sĩ bây giờ). Ổng thiếu, chưa kịp đóng thuế, có bốn trăm bạc gì đó, mà bị ông Tỉnh trưởng “nói mát mẻ” rằng “ông không làm gương tốt cho dân”, nên ông Năm buồn rầu, về nhà đâm bụng đổ ruột, tự vẫn”.
Chỉ vây thôi nhưng rõ ráng ông Hội đồng Hượt đó đã biết mắc cỡ để hành xử quá tay với chính mình. Đó là sỉ.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa rồi phải thốt lên trong buổi họp quan trọng, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa 13: “Cán bộ phải có liêm có sỉ”.
Gần trăm năm trước, Cổ học tinh hoa (1926 – Nguyễn Văn Ngọc & Trần Lê Nhân) đã viết: “Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.
Nghĩ cho kĩ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra”.
Vô sỉ nên dư luận phẫn nộ, lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến những nụ cười vô liêm sỉ của nhiều bị cáo thầy cô ngay trong phiên tòa xử họ gian lận thi cử.
Và chắc chắn thói vô sỉ mà dân Sài Gòn gọi là “đứt dây thần kinh mắc cỡ” này vẫn còn nhiều lắm, với nhiều người, ở nhiều nơi, trong nhiều lãnh vực…
Cổ học tinh hoa đã kết luận: “Ở đời còn có sỉ thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được; chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì là kiêng nể là không dám làm!”.
Cù Mai Công