Lộ dấu hiệu bất thường vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các doanh nghiệp hủy bỏ kết quả trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu. Về việc 40 doanh nghiệp nhanh tay mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo thành công, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, phát hiện nhiều bất thường, song chưa có chế tài để xử lý.

Vinafood 1 và loạt công ty con bỏ thầu

Theo công bố của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), tính đến 15/4 có hàng loạt doanh nghiệp (DN) trúng thầu cung cấp gạo cho đơn vị này song đã đơn phương hủy hợp đồng. Số lượng gạo DN trúng thầu lên tới 160.300 tấn.

Hầu hết là các DN trúng thầu đều có trụ sở ở miền Bắc và miền Trung nhưng lại trúng thầu ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ. Một số DN trúng thầu hàng loạt, giờ lại hủy hợp đồng như Cty CP lương thực Hà Nam Ninh và 3 công ty con thuộc Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) là Cty CP lương thực Cao Lạng, Cty CP lương thực Hà Tĩnh, Cty CP lương thực Yên Bái.

Ngày 15/4, Cục DTNN Vĩnh Phú thông báo hủy kết quả lựa chọn các DN trúng thầu và hủy thầu đối với các gói thầu thuộc dự án mua 9.500 tấn gạo nhập kho dự trữ Quốc gia (DTQG). Trong số các DN trúng thầu bị hủy kết quả, do nhà thầu từ chối ký kết hợp đồng, có 2 công ty con của Vinafood 1 là Cty CP lương thực Cao Lạng, Cty CP lương thực Hà Tĩnh.

Ngày 13/4, Cục DTNN khu vực Tây Nam bộ cũng thông báo hủy thầu đồng thời hủy kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói cung cấp gạo DTQG 2020. Lần này Vinafood1 từ chối thương thảo hợp đồng 2 gói thầu cung cấp 700 tấn gạo và 800 tấn gạo nhập kho DTQG 2020 tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Cần Thơ (thuộc Cục DTNN khu vực Tây Nam bộ).

Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN, do nhiều DN hủy thầu nên đến nay, đơn vị này chỉ mới ký hợp đồng mua được 7.700 tấn gạo dự trữ (đạt 4% kế hoạch mua 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao).

Ông Đức cho biết, giá đấu thầu được các địa phương gửi về, Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá duyệt. Bình luận về thông tin có phải Tổng cục Dự trữ đưa ra giá chào mua quá rẻ, khiến DN cảm thấy bất lợi nên chấp nhận bỏ hợp đồng, ông Đức phản bác. Theo vị này, nhiều DN lý giải thời điểm mở thầu giá hấp dẫn nhưng sau đó họ bị tác động mạnh từ diễn biến thị trường, giá gạo tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo. Do đó, nhiều DN bỏ hợp đồng.

Về năng lực của các DN tham gia mở thầu, theo ông Đỗ Việt Đức, bên chào thầu đã kiểm tra các hồ sơ mở thầu, hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ tài chính. DN nào đáp ứng đầy đủ mới được tham gia thầu.

Đáng chú ý, theo ông Đức, tất cả lượng gạo để DTQG không mua được ở phía Bắc, mà phải mua tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc đấu thầu từ trước tới nay được công khai trên mạng đấu thầu quốc gia, các DN tham gia bình đẳng, hồ sơ nào hợp lệ sẽ được duyệt.

Với việc hủy thầu của các DN vừa qua, lãnh đạo Tổng cục DTNN cho biết, sẽ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hủy các hồ sơ thầu không thực hiện. Các DN hủy thầu sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu, theo thương thảo hợp đồng thầu đã ký trước đó. Cụ thể, những DN này sẽ phải nộp lại ngân sách nhà nước số tiền đã đóng bảo lãnh dự thầu trước đó, thường từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết đã có hướng dẫn cụ thể để Tổng cục DTNN xử lý các DN hủy thầu, bỏ thầu theo Luật Đấu thầu.

Hải quan không báo trước mở tờ khai lúc 0 giờ

Liên quan tới việc mở cổng khai báo hải quan điện tử (VNACCS), cho DN đăng ký tờ khai xuất khẩu (XK) hạn ngạch 400.000 tấn gạo, nhiều DN bức xúc tố Hải quan không thông báo chính thức. Tuy nhiên, trả lời PV Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, với hệ thống VNACCS, DN khai mọi lúc mọi nơi, không có sự can thiệp chủ quan.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, riêng ngày 11/4, đơn vị này phải thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Kể từ 0 giờ ngày 12/4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo XK trong hạn ngạch được phép, do đó không thông báo cho DN.

“Chúng tôi không thông báo việc mở tờ khai lúc 0 giờ, vì coi việc đó là bình thường”, một cán bộ Hải quan chia sẻ riêng với PV Tiền Phong. Tuy nhiên, cán bộ Hải quan này cũng nhận định, khả năng các DN mở tờ khai thành công kia được “phím” trước nên chủ động khai báo, khi nhận được lệnh mở tờ khai lập tức ấn “enter” và được chấp nhận kết quả tự động trong vài giây. “Có chăng là họ phím cho nhau vào thời điểm mở tờ khai. Chứ khi mở hệ thống khai báo rồi can thiệp vào “bể” ngay”, nguồn tin cho hay.

Kiến nghị Bộ Công Thương xem lại quy trình xuất khẩu gạo

Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), một bất cập lớn hiện nay là chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia mới được XK. Do đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý XK gạo.

Ông Âu Anh Tuấn cho biết, qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu bất thường.

“Thống kê có 4 DN nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Ví dụ như TCty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên DN này lại đăng ký XK với 8 tờ khai, số lượng 7.200 tấn. Hay Cty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, DN cũng đăng ký 5 tờ khai XK, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn”, ông Tuấn cho hay.

Có hai DN khác gồm Cty CP Vĩnh Tường và Cty CP XNK Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực nhưng cũng đăng ký tờ khai XK trên 10.000 tấn. Như vậy các DN này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Việc này, theo ông Tuấn làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia.

Tiền Phong