Từ lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đến nhân viên y tế đều dùng bằng giả
Chỉ rà soát một phần nhỏ nhân viên ngành y tế, Công An tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 10 trường hợp sử dụng bằng cấp giả hoặc không hợp pháp. Trước đó, tỉnh này đã buộc thôi việc nhiều cán bộ lãnh đạo xài bằng cấp giả để tiến thân.
Ngày 29 Tháng Mười, 2019, ông Nay Phi La, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk, xác nhận với báo Người Lao Động, đang tiến hành xử lý 10 trường hợp là nhân viên trong các cơ sở y tế của tỉnh sử dụng “bằng cấp không hợp pháp.”
Trước đó, Công An tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Đắk Lắk cùng công an một số tỉnh, thành xác minh bằng cấp của một số người được tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế.
Sau khi rà soát, giới hữu trách phát hiện 10 trường hợp là nhân viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại một số bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế sử dụng bằng cấp Trung Học Phổ Thông (Tú Tài) và bằng ngoại ngữ, tin học “không hợp pháp.”
Từ đó, công an đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh và Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk “thu hồi các quyết định tuyển dụng, buộc thôi việc các trường hợp sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không hợp pháp.”
Trước khi lên làm trưởng Phòng Quản Trị Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa là nhân viên kế toán tại Nhà Khách tỉnh Đắk Lắk. (Hình: VietNamNet)
“Sáu trường hợp dùng bằng tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông giả sẽ bị buộc thôi việc. Những trường hợp còn lại thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì sẽ yêu cầu bổ sung trong thời gian nhất định,” ông Phi La cho biết.
Một lãnh đạo Phòng An Ninh Chính Trị Nội Bộ Công An tỉnh Đắk Lắk, cho biết những người này đã mua bằng cấp và chứng chỉ giả để được tuyển vào cơ quan nhà nước “tư lợi cá nhân, ảnh hưởng đến chất lượng bộ máy nhà nước.”
Theo đánh giá của Công An tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng bằng cấp giả để được tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế đã vi phạm pháp luật. Riêng Hội Đồng Tuyển Dụng Viên Chức Ngành Y Tế đã “không thực hiện đúng các quy trình xét tuyển, không phối hợp với các cơ quan hữu trách đối chiếu, kiểm tra các văn bằng, chứng chỉ gốc có liên quan trước khi ra các quyết định tuyển dụng.”
Liên quan đến việc dùng bằng giả ở tỉnh Đắk Lắk, theo báo VietNamNet, trước đó hôm 23 Tháng Mười, Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk đã ký quyết định kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, trưởng Phòng Quản Trị Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk (có tên thường gọi Trần Thị Ngọc Thảo, tên trong hộ khẩu Trần Thị Ngọc Thêm), bằng hình thức “khai trừ ra khỏi đảng và buộc thôi việc” do bà này đã sử dụng bằng cấp, tên tuổi của chị gái mình để công tác và thăng tiến.
Cùng ngày, Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk cũng đã thi hành kỷ luật bà Bùi Thị Thân, phó trưởng Phòng Hành Chính-Tiếp Dân, thuộc Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk, bằng hình thức “cảnh cáo về mặt đảng, cách chức đương nhiệm” do sử dụng bằng tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông giả.
Người Việt