Nhận diện “bệnh công thần”
Có những người tự coi mình là “công thần”, “đại thần” và rồi tự cho bản thân, người nhà hưởng những đặc quyền, đặc lợi.
Trong các căn bệnh mà cán bộ, đặc biệt là những cán bộ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo hay mắc phải thời gian vừa qua, bệnh “công thần” dù ít được nhắc đến nhưng nó lại đang hiện hữu không ít trong thực tế. Có những người lãnh đạo tự cho mình là quan trọng, tự cho mình là người đã đóng góp lớn cho Đảng, Nhà nước và sau đó đưa ra các yêu sách, đòi hỏi về những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân, gia đình.
Bàn về “thói hư tật xấu” của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ trực tiếp căn bệnh công thần: “Còn bệnh công thần thì tỏ như thế này: Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng… Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ. Những đồng chí mắc bệnh ấy không hiểu rằng: mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”.
Cán bộ là sức mạnh của quốc gia, là linh hồn của toàn hệ thống chính trị. Vậy nhưng đáng buồn thay, thời gian vừa qua, không ít cán bộ, thậm chí là lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan, đơn vị lại đang có dấu hiệu “ngồi nhầm ghế”, đi nhầm phòng. Cùng với đó, không ít người đang có biểu hiện mắc căn bệnh “công thần”. Thậm chí, có người không chỉ đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân mà còn dung túng cho vợ con, họ hàng sử dụng ảnh hưởng của bản thân để mưu cầu những lợi ích cá nhân.
Tôi còn nhớ trong một lần thảo luận dự thảo Luật về hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: “Điển hình nhất là có Thứ trưởng cứ về hưu là ra làm chủ tịch hiệp hội, xin thành lập hội rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả biên chế”. Tự cho mình là bậc “đại thần”, các cán bộ của ta dù đã lui về “hậu trường” nhưng vẫn đòi hỏi Đảng, Nhà nước chuyện “không tưởng”, đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi đến khó chấp nhận.
Có người thì đưa ra đòi hỏi về vật chất, đòi nhà, đòi xe; có người lại đưa ra đòi hỏi về vị trí “ghế ngồi”, đòi chức, đòi quyền cho con, em mình. Để rồi sau đó, khi yêu cầu không được đáp ứng thì không ít người lại sinh ra ấm ức, khục khặc, bất mãn với chính quyền. Thậm chí, có người từng gắn bó cả đời với Đảng nhưng khi về hưu chỉ vì không được “vuốt ve”, yêu chiều, chỉ vì những đòi hỏi không được đáp ứng mà sinh ra chống đối, xét lại.
Họ cho rằng cán bộ thế hệ sau là “không lễ phép”, là “hư hỏng”, là “không biết trước sau”. Muôn vàn lý do được đưa ra để họ thấy… ghét. Và hiển nhiên, sau khi đã “ghét” thì họ sinh ra không ưa, bất mãn. Từ đây, họ bắt đầu nảy sinh sự thù hằn đội ngũ lãnh đạo, dần dần dẫn đến việc thù hằn chế độ, thù hằn Đảng. Có những người còn quay 180 độ, trở thành các phần tử cực đoan chống đối Đảng, Nhà nước ta.
Một số người đang tại chức, tại quyền cũng mắc phải căn bệnh công thần này. Chỉ với một chút đóng góp, một chút thành tựu nhưng nhiều người đã coi trời bằng vung, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Thậm chí, có những người ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, tự cho mình là “cứu tinh” của nhân dân. Cũng từ căn bệnh công thần này sinh ra rất nhiều bệnh tật nguy hiểm khác.
Với nhân dân, với cấp dưới, họ cho mình vị thế “cao cao tại thượng”, bắt mọi người phải khép nép, nhún nhường mình. Dần dà, họ trở nên xa cách với quần chúng nhân dân, trở nên hách dịch, cửa quyền.
Với cấp trên, khi có chút đóng góp, họ trở nên tự kiêu, tự đại, không tôn trọng mệnh lệnh của chỉ huy, người đứng đầu. Đúng như Bác Hồ từng phân tích, người mắc bệnh công thần “đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm”.
Việc này kéo theo vấn đề nội bộ trở nên mâu thuẫn, mất đoàn kết, khiến cho tập thể bị suy yếu. Và cuối cùng, cả một hệ thống phải gánh chịu những hậu quả, thiệt hại do căn bệnh công thần của một người gây ra.
Căn “bệnh công thần” vô cùng nguy hiểm. Ở một góc độ nhất định, những người mắc bệnh công thần cũng nguy hiểm không kém những người tham nhũng. Tất cả đều làm suy yếu nội bộ, khiến cho bản chất cách mạng của người cán bộ bị biến chuyển.
(Theo CAND)