Nếu “đánh rơi” lịch sử chúng ta sẽ không biết mình là ai và đến từ đâu!

Lịch sử cho thấy chúng ta sống cao thượng và kiên cường biết nhường nào, để cho chúng ta thấy tự hào và phát huy sức mạnh đó hơn nữa. Là một người con của dân tộc này, có dòng máu Lạc Hồng, máu đỏ da vàng, thì bất kỳ ai cũng không thể được quên chúng ta là ai, và đến từ đâu.

Thông tin mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, thì kết quả môn Sử THPT Quốc gia năm nay không có điểm 10, duy nhất chỉ có 1 thí sinh đạt 9,75 điểm và 80.9% bài thi đạt điểm dưới trung bình.

Với khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn Sử THPT Quốc gia nhưng có tới 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình, 19,1% thí sinh đạt điểm trên trung bình và 0,36% thí sinh đạt điểm giỏi trở lên. Chúng ta liệu có đang đặt ra câu hỏi lịch sử nước nhà đang ở đâu trong lòng các bạn trẻ?

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó là bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Nhưng trong thế kỷ hiện đại ngày nay, với bao nhiêu thú vui, sự hưởng lạc, chúng ta lại vô tình không còn lưu tâm đến thời khắc huy hoàng của quá khứ. Nếu vậy, những tinh hoa của cha ông, những bài học lịch sử sâu sắc về giá trị của dân tộc, tinh thần yêu nước, bảo vệ tổ quốc ngàn xưa sẽ để vào đâu?

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có lịch sử hùng cường như dân tộc Việt Nam

Thực ra, tình trạng giới trẻ và xã hội thờ ơ với môn lịch sử không phải là điều lạ lẫm gì trong thời gian nhiều năm trở lại đây. Năm 2005, khi có tới 59% thí sinh dự thi vào khối C đạt điểm thi môn sử dưới 1 và chỉ có 9,7% số bài được điểm trên trung bình, thì tiếng chuông này cũng đã bắt đầu được gióng lên.

Ngay sau một thực tế đau lòng đó, thì nhiều cơ quan, tổ chức liên quan đến giáo dục, hội sử học Việt Nam đã tổ chức những hội thảo về thực trạng và giải pháp cho việc giảng dạy môn Lịch sử trong chương trình phổ thông. Việc này được nói đến như một hành động “chữa bệnh nan y” cho những thế hệ học sinh trung học phổ thông, nhưng hơn 13 năm qua thì căn “bệnh này” vẫn ngày càng diễn ra dai dẳng và trầm trọng.

Lỗi của người trẻ quên lịch sử Việt là đến từ đâu? Có lẽ môn Lịch sử trong tâm lý của rất nhiều phụ huynh và học sinh chỉ là một môn phụ, vậy nên không cần quá nhất thiết phải học, phải tập trung cho Lịch sử.

Cái cơ chế thị trường ngày nay đã vùi dập môn Lịch sử một cách không thương tiếc, người ta chỉ biết định hướng cho con em mình đi đến các môn tự nhiên, khối A, B, D… để thi vào các trường đại học và sau này kiếm thật nhiều tiền.

Còn lịch sử thì ngàn đời vẫn thế rồi, nó không tịnh tiến trước cuộc sống hiện tại, mà nó đứng yên, không ai có thể bịa đặt thêm cho lịch sử. Môn Lịch sử cũng không bao giờ được xếp vào danh sách “hái ra tiền” cho tương lai của ai, bởi vậy Lịch sử luôn luôn bị “đứng xó”.

Nào đâu học Lịch sử chỉ để đối phó, để qua môn, chống đối… Môn học Lịch sử và Giáo dục công dân là 2 môn học tưởng chừng như không có giá trị. Nhưng đối với một con người, một quốc gia, một dân tộc, thì 2 môn học này là định hướng cho sự kết tinh giá trị đoàn kết, lòng yêu nước và tinh thần chống lại giặc ngoại xâm.

Lịch sử nhiều người cho rằng nó phải nhớ, phải nhớ từng mốc sự kiện lịch sử, từng giai đoạn và luôn phải đặt ra câu hỏi vì sao trong giai đoạn đó có sự vận động khác nhau. Lịch sử chỉ có một đặc điểm rất giống với Toán học, Vật Lý, Hóa học, đó chính là sự chính xác, mốc sự kiện lịch sử và kết quả một bài toán không hề bị thay đổi.

Nhưng chỉ tiếc là ở thời đại xã hội đang “vội vã” đi theo nền kinh tế thị trường ở dưới dạng chưa ổn định, thì Lịch sử sẽ khó mà được đánh giá với đúng giá trị lịch sử của nó. Vì vậy, chẳng có gì là lạ khi Đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa, bày tỏ việc sức ép của nền kinh tế đã làm cho dân tộc Việt Nam đánh mất giá trị, bản sắc, văn hóa, lịch sử của dân tộc.

“Thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sỹ, diễn viên ngoại, để tóc, ăn uống theo phong cách ngoại trong khi đó không biết những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Khởi đầu là kinh tế, tiếp đó là văn hóa, giáo dục của chúng ta bị xâm hại từng bước và ngày càng nghiêm trọng ngay trong chính nước mình” – ông Nghĩa nói.

Lịch sử Việt Nam không thiếu gì anh hùng dân tộc, không thiếu gì người có thể được so sánh với những bậc anh hùng trên thế giới. Thậm chí là có tới 2 người nằm trong danh sách 10 vị tướng nổi tiếng nhất thế giới, đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một người cũng được đánh giá cao ở tầm thế giới đó là vua Quang Trung.

Nếu một dân tộc hèn nhát, yếu đuối, thì có lẽ chúng ta đã phải sống dưới sự nô lệ, đồng hóa từ hơn 1.000 năm trước. Nhưng trải qua tận 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc này vẫn giữ nguyên được giá trị và sẵn sàng đứng lên bảo vệ nền văn hóa riêng biệt, độc lập và tự chủ.

Những anh hùng dân tộc được biến đến hôm nay, họ là những con người làm nên lịch sử. Nhưng lịch sử ấy phải phần lớn thuộc do những anh hùng vô danh viết nên, họ hậu thuẫn cho người lãnh đạo dân tộc, họ sống và bảo vệ quốc gia như một nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả.

Di sản của tiền nhân để lại vô cùng quý báo, nhưng cũng có những lỗi lầm, những sai trái, nhiệm vụ của người sau đó là sửa chữa, để tránh những điều đáng tiếc, sâu xa hơn là tránh mất nước.

Lịch sử là cầu nối cho mỗi công dân Việt biết rõ và hiểu rõ thân phận của mình. Để chúng ta không bao giờ sống lẻ loi trước xã hội loài người, trước cộng đồng quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Có một câu nói rất hay trên Blog Vương Trí Nhàn khi nói về lịch sử: “Muối mà không mặn còn gì là muối, sử mà không có cái phập phồng của đời sống con người trong quá khứ, làm sao gọi là sử được?”.

Lịch sử cho thấy chúng ta sống cao thượng và kiên cường biết nhường nào, để cho chúng ta thấy tự hào và phát huy sức mạnh đó hơn nữa. Là một người con của dân tộc này, có dòng máu Lạc Hồng, máu đỏ da vàng, thì bất kỳ ai cũng không thể được quên chúng ta là ai, và đến từ đâu.

(theo Butdanh)