Môi trường đã trong sạch chưa mà lại è cổ dân đòi thu phí khí thải thưa Bộ Tài Chính?

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu các kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thu phí phương tiện vào nội đô; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Phải chăng, một loại phí mới nhằm bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục được ra đời.

Cụ thể, chính quyền thành phố Hà Nội cho rằng sự gia tăng của phương tiện giao thông “đã ở mức báo động”. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Với thực trạng như vậy, ngoài nội dung thu phí xe vào nội đô, thành phố Hà Nội còn đề xuất Chính phủ thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.

Nghe đề xuất của thành phố Hà Nội, dư luận cũng như nhiều chuyên gia đã nghĩ ngay đến việc tăng tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cách đây không lâu. Người dân vốn dĩ đã phải chịu áp thuế 4.000 đồng/1 lít xăng để “bảo vệ môi trường”, giờ xe thải khí do tiêu thụ xăng cũng thêm phí “bảo vệ môi trường” thì có phải là thu thuế hai lần hay không?

Rõ ràng, chúng ta phải lo ngại rằng phương tiện giao thông tăng cao sẽ làm khí thải tăng cao, môi trường bị đe dọa. Nhưng, cứ sinh ra thêm các loại phí, thuế bảo vệ môi trường thì thật sợ!

Ai đã quên vai trò của thuế?

Trong hầu hết các phân tích, người ta thừa nhận thuế có ba vai trò chủ yếu là tạo nguồn thu ngân sách; kích thích tăng trưởng kinh tế và điều tiết, thực hiện công bằng xã hội. Đố một ai có thể tìm được những đề tài nghiên cứu lớn nào nói về việc thuế giúp “bảo vệ môi trường”.

Phương tiện giao thông tăng, vì sao? Do đời sống dân cư phát triển, do nhu cầu đi lại, giao dịch, vận chuyển tăng lên theo sự phát triển của nền kinh tế. Có thể khẳng định, việc tăng sử dụng các phương tiện giao thông là điều buộc sẽ diễn ra.

Thử xem nhé, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch khung 4.000 đồng/1 lít nhưng có người dân nào dùng xăng ít đi hay không? Mọi nhu cầu di chuyển hằng ngày vẫn diễn ra thường xuyên với kết quả là người dân thêm nhiều tốn kém. Tiếp theo, nếu phí bảo vệ môi trường với khí thải cũng được thu. Rồi người dân cũng sẽ vẫn phải chịu thêm phí chứ không ai có thể ngừng sử dụng phương tiện giao thông hằng ngày của mình.

À quên, có thể một số cán bộ nào đó nhắc nhở người dân hãy dùng phương tiện công cộng để… cho rẻ. Nhưng, nếu các vị ấy phải bỏ sử dụng xe công, chuyển sang sử dụng phươngtiện giao thông công cộng để di chuyển theo nhiều tuyến đường thì các vị ấy mới biết là phương tiện giao thông công cộng tại các tỉnh, thành phố đang tệ đến mức nào.

Nói thẳng, những đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được đưa ra mà không có căn cứ vào bản chất vai trò của thuế; chưa có tính toán, nghiên cứu kỹ về tác động ảnh hưởng đối với xã hội; cũng như chưa có đánh giá, so sánh với các loại thuế, phí đang tồn tại… Đề xuất như thế rồi sẽ lại là thứ khó mà được dư luận chấp nhận.

Tiền nào, của nấy!

Xin được hỏi, thu đủ thuế, phí bảo vệ môi trường rồi, môi trường có trong lành, xanh, sạch, đẹp hay không?

Này nhé, Hà Nội năm 2017, 2018 vừa qua trở thành tâm điểm truyền thông khi có những ngày chỉ số ô nhiễm môi trường đạt mức cao nhất thế giới (vượt cả các thành phố ô nhiễm tại Trung Quốc. Dù sau đó, chính quyền thành phố phủ nhận đó chỉ là kết quả đo cục bộ của đại sứ quán Mỹ, nhưng vấn đề vẫn nằm ở chỗ chất lượng không khí giảm rõ rệt. Nào là lượng khí thải CO2, SO2,… tăng đột biến; cho đến các loại bụi mịn, bụi siêu mịn xâm hại trực tiếp đến hệ hô hấp của con người.

Chưa hết đâu, Hà Nội vẫn còn đó một con sông Tô Lịch “ngốn” biết bao tiền của, dùng biết bao giải pháp mà vẫn ô nhiễm. Các hồ điều tiết trong thành phố từ hồ Hoàng Cầu, hồ Tây, hồ Thiền Quang,… tình trạng cá chết nổi trắng liên tục diễn ra.

Vậy, đến khi nào thì môi trường Hà Nội có thể trong sạch trở lại. Đó là khi chúng ta thu đủ thuế với xăng dầu, thu phí phương tiện vào nội đô, đánh phí với khí thải, rồi thu luôn cả phí của những hộ dân, doanh nghiệp đang xả thải ra sông, hồ phải không?

Có lẽ là không! Theo số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy kể từ thời điểm bắt đầu áp dụng là năm 2012 đến nay, số thu thuế bảo vệ môi trường năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong đó, số thu thuế đã tăng dần từ mức 11.160 tỉ đồng năm 2012 lên 42.393 tỉ đồng năm 2016 (tăng gần 4 lần). Tuy nhiên, số chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 9.000 tỉ đồng trong năm 2012, 2013 và tăng lên 12.290 tỉ đồng năm 2016.

Hóa ra, thu thuế bảo vệ môi trường nhưng không thể dùng tất cả vào việc bảo vệ môi trường. Chưa nói đến việc hiệu quả của việc dùng thuế bảo vệ môi trường đến đâu, nhưng những đồng thuế kia đang được sử dụng sai mục đích thu của nó.

Bộ Tài chính ơi, Bộ Tài chính à, bộ mình quên mất câu của ông bà ta là “tiền nào, của nấy” rồi ư. Thuế, phí bảo vệ môi trường nhiều quá, nhưng môi trường có bảo vệ được hết đâu. Cuối cùng, ai chẳng biết ngân sách hạn hẹp, ai chẳng biết các vị muốn tăng nguồn thu, nhưng người dân thì đã chịu đủ thuế chồng thuế rồi.

Đừng mãi nhân danh môi trường để tăng thuế. Nên chăng, hãy làm tốt tinh giản biên chế, làm tốt việc chống thất thu thuế, có khi lại hiệu quả mà tốt hơn nhiều!

Lời cuối, tự hỏi, nếu chặt cây xanh có tác động đến môi trường thì rồi sẽ thu thuế chặt cây xanh phải không? Hà Nội sợ xe cộ nhiều nhưng cây xanh thì cứ chặt từng ngày…

(Theo But Danh)