Hải Phòng “gán” cả đất lịch sử, bảo tồn cho Hoàng Huy đủ thấy Hoàng Huy máu mặt cỡ nào?
Trong 99 ha đất vàng dùng để thanh toán cho Công ty Hoàng Huy, Hải Phòng thậm chí còn đề xuất lấy cả nhà biệt thự 2 tầng có giá trị lịch sử, văn hóa cần bảo tồn.
Khu đất vốn được dự kiến xây trụ sở cho Viện KSND TP.Hải Phòng từng được chính Hải Phòng khẳng định là hạng mục cần phải lưu giữ, bảo tồn. Vì sao UBND TP này lại thay đổi quan điểm nhanh như vậy?
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, để thực hiện chủ trương cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn, Hải Phòng tiến hành triển khai 4 dự án. 3 trong số 4 dự án này (tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng) được chỉ định thầu cho CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (gọi tắt Hoàng Huy).
Theo đó, phía Hoàng Huy sẽ tiến hành đầu tư, cải tạo lại các chung cư, đổi lại, Hải Phòng thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất của thành phố theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Quá trình làm dự án, điều mà dư luận đặt câu hỏi là mức giá tại các khu đất vàng được bán cho Hoàng Huy quá rẻ so với giá thị trường. Thành phố đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng được dùng 7 vị trí đất, diện tích 99 ha để trả cho nhà đầu tư.
Trong số này, 2 vị trí đã được giao cho Hoàng Huy gồm: 5,1 ha tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Sông Cấm. Tại vị trí này, Hoàng Huy triển khai dự án bất động sản Hoàng Huy Riverside gồm dãy nhà liền kề và biệt thự hiện đại. Với vị trí đắc địa, giá nhà ở đây được rao bán khoảng 35 triệu đồng/m2, dao động từ 5-18 tỉ đồng/căn. Trong khi giao cho chủ đầu tư, Hải Phòng chỉ định giá khu đất này có 194,378 tỉ đồng, tương đương 3,8 triệu đồng/m2.
Hoàng Huy cũng được giao 2 khu đất “kim cương” khác. Đó là khu đất trụ sở cũ của UBND Q.Hồng Bàng tại số 42 Lê Đại Hành, rộng 0,8 ha (TP.Hải Phòng tạm định giá là 64,7 tỉ đồng tài sản trên đất và 290,58 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ là 36,32 triệu đồng/m2). Còn khu đất tại 199 Tô Hiệu được tạm định giá tiền tài sản trên đất là 19,57 tỉ đồng và 65,99 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ xấp xỉ 22 triệu đồng/m2. Hiện đất tại các khu này có giá từ 150-250 triệu đồng/m2, tùy vị trí và diện tích.
Thay đổi mục đích sử dụng đất không báo cáo Thủ tướng
Đối với lô đất là trụ sở cũ Viện KSND TP.Hải Phòng (số 22 Phan Bội Châu, Q.Hồng Bàng) diện tích 1,1 ha, theo tìm hiểu của Thanh Niên có nhiều dấu hiệu bất thường.
Trong Công văn số 3704/BTC-QLCS ban hành ngày 30.3, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng, qua rà soát hồ sơ lô đất này có quyết định từ năm 2016 (Quyết định 2000/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành) điều chuyển trụ sở làm việc của Viện KSND TP.Hải Phòng về địa phương quản lý, sử dụng. Tại quyết định ghi rõ “để bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước của địa phương”.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tại Công văn số 1681/UBND-TC ngày 14.6.2019 gửi Viện KSND tối cao, UBND TP.Hải Phòng khẳng định: “cơ sở nhà đất tại 22 Phan Bội Châu có hạng mục nhà biệt thự 2 tầng thuộc danh mục nhà biệt thự có giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hoá cần được bảo tồn”.
Từ đó, UBND TP.Hải Phòng đã xây trụ sở Viện KSND TP.Hải Phòng ở khu khác và dự kiến sử dụng cơ sở nhà đất tại 22 Phan Bội Châu để thanh toán hợp đồng BT xây dựng chung cư cũ. Theo Bộ Tài chính, việc thay đổi mục đích sử dụng vị trí đất này đã không được Hải Phòng đưa vào danh mục báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hải Phòng bổ sung báo cáo rõ với Thủ tướng để được xem xét, xử lý đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia tài chính cho biết, qua sự việc trên có thể thấy Hải Phòng đã “tiền hậu bất nhất”, có dấu hiệu ưu ái cho Công ty Hoàng Huy.
“Tại sao trước đó khẳng định khu đất có nhà biệt thự cổ mang giá trị lịch sử cần bảo tồn, sau lại đề xuất Thủ tướng cho dùng để thanh toán cho nhà đầu tư. Liệu có hay không lợi ích nhóm, sân sau?”, chuyên gia này đặt nghi vấn.
Thanh niên