May là ông Triệu Tài Vinh chỉ học có bốn… ngày!

Cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Tỉnh ủy Hà Giang cũng thay mặt hệ thống chính trị ở Hà Giang, công bố cách thức xử lý các đảng viên dính líu đến scan.dal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019.

Theo đó, có tới 151 đảng viên dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm, giúp các thí sinh mà học lực chẳng đâu vào đâu (có những trường hợp điểm thi ba môn chỉ 0,5) giành được chỗ chúng muốn trong hệ thống đại học công lập ở Việt Nam hồi năm ngoái.

Đáng lưu ý là sau 15 tháng “nâng lên, đặt xuống”, UBKT Tỉnh ủy Hà Giang quyết định chỉ kỷ luật 46/151 cá nhân, trong đó, ba bị khai trừ ra khỏi đảng (cả ba đã bị khởi tố, đang bị xem xét trách nhiệm hình sự), một bị cảnh cáo và 42 bị khiển trách.

Nhìn vào 29 trường hợp dù dính líu đến scan.dal gian lận điểm thi nhưng UBKT Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng “chưa đến mức bị xử lý kỷ luật”, chỉ cần “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”, người ta ắt sẽ hoang mang, không biết nên khóc hay cười!

Ngoài trường hợp bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở NN PTNT), vợ ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh ủy, sau scandal gian lận điểm thi được điều động về Ban Kinh tế của BCH Trung ương đảng) phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” vì để “em chồng tác động cho con được nâng điểm thi”, còn có nhiều trường hợp khác rất đáng để ý nhưng do báo chí thông tin không đầy đủ, công chúng không biết để bàn…

Chẳng hạn trường hợp bà Nguyễn Thị Lan Anh (Chánh án Tòa án Hà Giang). Con bà Anh cũng là một trong những đứa trẻ được sửa bài thi để nâng điểm nhưng theo UBKT Tỉnh ủy Hà Giang, Chánh án Tòa án Hà Giang chỉ cần “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” khi “để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con” là có thể tiếp tục nhân danh đất nước Việt Nam chỉ đạo xét xử đủ thứ!

Tương tự, bà Vương Ngọc Hà (Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của Hà Giang) không bị kỷ luật vì mẹ bà mới là người… “tác động” sửa bài thi – nâng điểm cho con bà. Các ông: Đỗ Tiến Dũng (Phó Giám đốc Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Linh (Chánh Thanh tra Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Châu (Chỉ huy phó Biên phòng Hà Giang) tỉnh không bị kỷ luật vì con của họ được sửa bài thi – nâng điểm là do “tác động” của… vợ họ!..

***

Không nên đối chiếu danh sách bị UBKT Tỉnh ủy Hà Giang quyết định áp dụng kỷ luật đảng để tránh nguy hại cho … não!

Tại sao cùng nhờ “tác động” của “người khác” để con được sửa bài thi – nâng điểm nhưng ông Nguyễn Trung Tuyến (Bảo vệ), bà Nguyễn Thị Sáu (Kế toán), bà Nguyễn Thị Thu Hà (Nhân viên Văn phòng), ông Nguyễn Văn Hà (Nhân viên Ban Tài chính Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang), ông Nguyễn Trung Thành (Sĩ quan cảnh sát thuần túy, không có chức vụ),… lại bị “khiển trách”, còn những đảng viên giữ trọng trách thì không?

Tại sao bà Phạm Thị Hà (phu nhân ông Triệu Tài Vinh) “để em chồng tác động nâng điểm cho con” thì “chưa đến mức bị xử lý kỷ luật”, chỉ phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”, còn ông Vàng Mí Chỏ (Phó Chủ tịch HĐND huyện Đồng Văn) “nhờ chị dâu tác động nâng điểm cho con” thì “vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm” thành ra bị “khiển trách”? Chẳng lẽ chị dâu nguy hiểm hơn em chồng?

Dường như khi xem xét để xác định có kỷ luật những đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm thi hay không, UBKT của Tỉnh ủy Hà Giang cố ý phân định giữa “nhờ” và “để” nhằm tách bạch giữa… chủ động và… thụ động.

Việc phân định giữa “nhờ người khác tác động” với “để người khác tác động”, rồi quyết đinh “nhờ” thì phải xử lý kỷ luật còn “để” thì được miễn trừ trách nhiệm, chỉ cần “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” là… xong, dựa trên những tiêu chí nào?

Chưa kể nếu “nhờ” thật sự là chủ động thì chỉ “khiển trách”, thậm chí “cảnh cáo” rồi… thôi, có thỏa đáng không? Nếu không (vì chủ động rõ ràng là cố tình phạm pháp) thì lẽ nào lại tha… mẹ, mẹ vợ, chị dâu, em chồng các viên chức lãnh đạo? Tha như thế thì còn gì là “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, còn gì là “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật? Làm sao có thể “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”?

Sau một thời gian dài “im hơi, lặng tiếng”, ông Triệu Tài Vinh “xuất đầu lộ diện”. Nhân dịp tái ngộ công chúng qua hội thảo về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới” do Tạp chí Cộng sản tổ chức, ông Vinh nhắc lại những scandal liên quan tới ông: Cả họ làm quan (vợ, em trai, em gái, em dâu, em rể, bà con nội ngoại chia nhau nắm giữ vai trò lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp ở Hà Giang). Gian lận thi cử (cả con gái lẫn cháu cùng “bị” sửa bài thi, nâng điểm),… – kèm lời khuyên các đồng chí của ông là “phải đối mặt với thực tế, vượt qua”.

Ông Vinh được mời làm diễn giả tại hội thảo vừa kể vì từng là Bí thư tỉnh Hà Giang trong chín năm. Theo ông Vinh: “Chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt”! Cho dù ngay sau đó có khá nhiều người dè bỉu tuyên bố vừa kể nhưng quyết định xử lý 151 đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019 mà UBKT của Tỉnh ủy hà Giang mới công bố cho thấy, rõ ràng “sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt”, nếu không, cách xử lý không thể như đã thấy!

Cũng tại hội thảo đó, ông Vinh tâm tình: Ông không được quy hoạch “cán bộ cấp chiến lược”, chỉ được “bồi dưỡng bốn ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng”. Ông Vinh bảo rằng, sau khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Bí thư Hà Giang, ông nhận ra giữa “lý luận và thực tiễn có khoảng cách” nên muốn được học thêm! Tuy ông Vinh tỏ ra rất tự hào về “hệ thống chính trị” ở Hà Giang, xem đó như một sản phẩm do công của ông nhưng với thực tế mà công chúng đã thấy, đã biết về Hà Giang, có lẽ ông Vinh không nên… “học thêm”, dù chỉ một ngày!

Theo VOA