Lời tuyên chiến “đanh thép” với tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nếu “lò tham nhũng” liên tục được duy trì thì mỗi sáng thức dậy những kẻ tham nhũng đều lo lắng vì không biết mình sẽ thành “củi” lúc nào. Và, đó chính là bài học răn đe hiệu quả với những ai “có chức, có quyền” đang có ý định “đục khoét của công”. Đó mới là ý nghĩa của lời tuyên chiến “đanh thép” với tham nhũng!

Đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào sáng 26/7 vừa qua tại Hà Nội. Và thông điệp “không ngừng nghỉ” trong cuộc chiến “đốt lò” lại được phát đi một cách mạnh mẽ, nhận được sự đồng thuận lớn trong dư luận.

Hoan hô tinh thần “đốt lò”

Phải nói rằng, nửa đầu năm 2019 đã được khái quát trong những con số ấn tượng. Trong những cái tên mà chỉ nghe qua cũng thấy xót xa về sự thất thoát tiền bạc của Nhà nước với hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như vụ án tại Vinashin, ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, sai phạm về đất đai tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành… Những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm đã được đưa ra xét xử. Những cán bộ thoái hóa, biến chất đã được điểm mặt, chỉ tên, dù nghỉ hưu hay đương chức …

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” cũng phần nào được khắc phục khi trong sáu tháng đầu năm, các tỉnh/thành đã khởi tố 176 vụ án, 425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, tăng hơn 13% về vụ và gần 33% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018.

Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức Đảng, hơn 7.900 đảng viên vi phạm. Trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với một tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là con số rất lớn so với nhiều khóa gần đây. Con số này đã nối dài danh sách số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay.

Việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tới nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngay chính một thành viên trong Ban chỉ đạo cũng nhận xét là “rất truyền cảm hứng”: “Bác kết luận súc tích, đúng và trúng. Đấy là cách nói của người có kinh nghiệm, từng trải và có phương pháp làm việc khoa học, mạch lạc. Tinh thần, quan điểm của kết luận là nhất quán với các phiên họp trước, kiên trì, kiên quyết phòng, chống tham nhũng. Phương pháp là sai đâu sửa đấy nhưng tập trung vào vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Tìm khâu, điểm vướng nhất để gỡ. Cơ chế thì có Ban chỉ đạo Trung ương, có bộ phận thường trực, tập trung vào mà chỉ đạo, tháo gỡ. Vướng luật thì sửa luật. Không vì một vài điều luật mà trì hoãn”.

“Dứt khoát không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng và nếu trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo và tự xin thôi”. Có thể coi đây là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng cầm quyền, thể hiện một quyết tâm không gì lay chuyển đồng thời cũng là lời “tuyên chiến” không chỉ với tham nhũng mà với cả những ai “cảm thấy cản trở, nhụt chí”.

Còn đó những nỗi lo

Xã hội nào, chế độ nào cũng có tham nhũng, ngành nào, môi trường nào cũng có tham nhũng và cần chống. Bởi, tham nhũng là bản chất của lợi ích cá nhân và lợi íc nhóm. Tham nhũng làm mất lòng tin của dân, có thể làm sụp đổ một chế độ.

Mà nói đến tham nhũng chúng ta nên hiểu có nhiều loại tham nhũng; Hiện nay ta đang chống tham nhũng về tiền bạc, tham nhũng vật chất . . .Nhưng tham nhũng quyền lực là cha đẻ của mọi tham nhũng khác thì lại chưa làm mạnh tay,, phải chăng tham nhũng quyền lực đang như một khối bê tông không có sức mạnh nào xuyên qua và phá vỡ?

Nhiều người lo lắng khi nghĩ ‘ai sẽ là người kế tục châm lửa đốt lò’ nếu Tổng Bí thư nghỉ hưu

Vì vậy chống tham nhũng là quốc sách, phải thường xuyên liên tục và kiên quyết. Điều quan trọng là trong cái chống này cần phải có một hệ thống pháp luật thật nghiêm trị, không kẻ hở thì mới chống được, chống phải đi đôi với xử lý nghiêm khắc thì mới có hiệu quả, không loại trừ lớn, nhỏ…có như thế mới ổn được

Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì “kinh nghiệm là rõ đến đâu làm đến đấy. Làm có căn cứ, bằng chứng, thận trọng, làm đi làm lại không quy oan cho ai. Riêng về các văn bản, quy định của pháp luật, Nghị định của Chính phủ đã ban hành rất nhiều để ngăn ngừa, răn đe trước chứ không phải chờ xảy ra mới xử lý. Đây là chuyển biến mới. Các quy định nêu gương, khai tuổi và một loạt quy định của Đảng có tác dụng tốt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo quả quyết nhất, mạnh mẽ nhất trong công cuộc chống tham nhũng thời gian qua. Đừng xuyên tạc rằng đó là “xâu xé, đấu đá” nội bộ, làm gì có nội bộ nào với những kẻ quan tham? Công cuộc chống tham nhũng được toàn thể người dân ủng hộ, đồng lòng.

Xin được nhắc lại một lần nữa, ‘cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy’. “Lò nóng”, “củi tươi” là những hình ảnh ấn tượng được nhắc đến trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Hình ảnh về một cái lò đã nóng lên khiến cả “củi tươi” cũng cháy, không chỉ trở thành biểu tượng của sức mạnh, khí thế hừng hực chống tham nhũng, mà nó còn là niềm tin chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Thước đo là lòng dân, không dung dưỡng tiêu cực hư hỏng, mà khuyến khích những người tốt, những việc tốt. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ, người ta đang lo sắp tới có tiếp tục duy trì đà này không? “Nếu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nghỉ hưu, thì ai sẽ là người tiếp tục “châm lửa đốt lò” và liệu “lò” có hừng hừng cháy như giờ hay không?

Và sau phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo, chúng ta biết “lò” chống tham nhũng lại tiếp tục hừng hực cháy. Với cách làm này, những kẻ tham nhũng sẽ “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi những lỗi lầm họ gây ra, chứ không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nữa.

Cá nhân người viết cũng tin rằng, nếu “lò tham nhũng” liên tục được duy trì thì mỗi sáng thức dậy những kẻ tham nhũng đều lo lắng vì không biết mình sẽ thành “củi” lúc nào. Và, đó chính là bài học răn đe hiệu quả với những ai “có chức, có quyền” đang có ý định “đục khoét của công”. Đó mới là ý nghĩa của lời tuyên chiến “đanh thép” với tham nhũng!

Hiện, lòng dân thực sự phấn chấn, thấy Đảng mạnh hơn, thấy tin tưởng hơn khi Đảng đã châm lửa cho “lò chống tham nhũng” bốc cháy, giúp mọi người bỏ củi tươi, củi khô vào để đốt sạch tham nhũng.

(Theo Tạp chí Bút Danh)