Lỗi do cơ chế – lòng quan hân hoan?

Sào Khê ơi hỡi Sào Khê – Tiền tăng như thế hoàn thành được không?

Đội vốn đầu tư 36 lần nhưng Sào Khê vẫn chẳng đổi sắc dù 17 năm được “chăm chút”

Sào Khê là một trong những dự án “nổi bật” về việc đội vốn được Tổng kiểm toán nhà nước nêu ra trong buổi báo cáo về Kiểm toán ngân sách Nhà nước. Theo đó, để nạo vét và cải tạo cảnh quan sông Sào Khê (dài 14 km), lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tiến hành xây dựng và phê duyệt dự án, đồng thời triển khai trên thực tế từ năm 2001. Vậy nhưng sau 17 năm triển khai, sau khi đội vốn đầu tư 36 lần (từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng), mọi thứ hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.

Khi chia sẻ về Dự án Sào Khê bên lề Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh (Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình) cho hay, nguyên do của việc dự án này đội vốn gấp 36 lần so với đầu tư ban đầu nhưng vẫn chưa đâu vào đâu là do tại… cơ chế:

“Nguyên nhân đội vốn là khảo sát không kỹ, quy mô nghĩ đơn giản. Tâm lý ban đầu là làm sao cứ được xếp vào danh mục. Đầu tiên là quy mô vừa vừa để được chấp nhận vào danh mục, nhưng khi vào làm rồi thì không thể như thế được. Vì đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, dẫn đến phát sinh, nên phải điều chỉnh lại dự án. Lỗi ở đây chính là câu chuyện về cơ chế”.

Vậy cơ chế là cái gì, cơ chế có cầm được không, cơ chế có ăn được không mà sao nó lại có uy lực đến như vậy? Hay chăng, đó là sản phẩm của việc thờ ơ vô trách nhiệm với những dự án được đầu tư từ ngân sách nhà nước; là hệ quả của sự yếu kém về năng lực của cán bộ; là kêt quả của tâm lý làm lâu ăn dài?

Cơ chế là làm nhiều ăn nhiều, làm lớn ăn lớn, làm lâu dài ăn lâu dài

2.595 tỷ đồng bỏ ra nhưng hình hài ban đầu của một dự án vẫn chưa được nặn ra. Như vậy không biết đến khi chúng ta thai nghén hoàn toàn, sinh nở được một dự án Sào Khê trọn vẹn thì bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian sẽ phải tiếp tục được bỏ ra. Dù không biết rõ nhưng chắc chắn nó sẽ không phải là con số nhỏ.

Quay lại với lời giải thích Sào Khê càng làm càng “khê” do lỗi cơ chế của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ở một góc độ nhất định, lời giải thích của bà cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Vì sao ư? Vì ngày xưa, trong thời mà dự án này được phê duyệt, tư duy quy hoạch chắc chắn sẽ không được như hiện nay. Và như bà Thanh đã chỉ: “ Thêm vào đó, tâm lý ban đầu là làm sao để dự án được xếp vào danh mục”.

À, thì ra là như vậy, hóa ra các cán bộ của ta cứ muốn làm nhiều, duyệt nhiều dự án để cho đẹp, cho có số liệu báo cáo và đặc biệt hơn là để có cái mà… đút vào túi. Từ trước đến này, ai chẳng biết “làm nhiều thì ăn khủng”, chỉ có không làm thì mới không có ăn, không có dự án túi quần mới trống rỗng. Khi mà vừa có dự án để báo cáo lãnh đạo, vừa có tiền để rủng rỉnh đút túi thì chẳng có lý do gì để cán bộ của ta không duyệt dự án cho mau, cho lẹ còn câu chuyện làm ra sao, làm thế nào, làm bao lâu thì chẳng cần quan tâm.

Vậy nhưng trong chính lời giải thích của bà Thanh cũng có điểm mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Bà Thanh cho rằng khi làm thì muốn làm “đến nơi đến chốn” nên dự án mới cứ phình to ra một cách thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, “đến nơi đến chốn” mà bà Thanh đang hướng đến là gì? Nếu đã nhận thức được việc quy hoạch trước đó không phù hợp thì tại sao địa phương không mạnh mẽ dừng hẳn dự án để tiến hành quy hoạch lại, đánh giá lại những vấn đề liên quan rồi mới tiếp tục triển khai? Việc vừa đi vừa nghĩ, vừa làm vừa chắp vá chắc chắn sẽ chẳng thể nào toàn diện. Và hơn hết, việc để một dự án dò dẫm đi trong suốt 17 năm qua nhưng chẳng đi tới đâu rõ ràng là khó có thể chấp nhận được. Có lẽ, lỗi ở đây cũng chỉ vì quan ta chưa đủ… giàu nên mới phải “vất vả” chèo kéo dự án mà thôi.

Dự án ảm đạm, lòng quan hân hoan?…

Việc một dự án khi triển khai trên thực tế nhưng qua hàng chục năm trời vẫn ảm đạm không thay đổi so với ban đầu chắc chắn là một điều bất thường. Và hiển nhiên, nếu đào đến tận cùng nguồn gốc của vấn đề thì tôi tin chắc rằng sẽ có không ít củi tươi, củi khô bị phát hiện.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho dự án, đổ lỗi cho cơ chế chung chung. Nói thẳng ra, việc dự án tăng vốn có lẽ cũng chỉ là tăng trên lý thuyết. Trên thực tế, bao nhiêu tiền trực tiếp chảy về dự án và bao nhiêu tiền “đi lạc” vào túi ai đó thì chẳng ai có thể biết được. Suy cho cùng, cơ chế cũng là do con người tạo ra và do con người thực hiện. Bởi vậy, nếu cơ chế có lỗi thì không ít cán bộ cũng khó tránh được liên quan. Ngoài ra, tôi cũng phải đặt câu hỏi: phải chăng cán bộ đang muốn dự án cứ tiếp tục ảm đạm để được tăng vốn, để được kéo dài thời gian từ đó thực tế hóa phương châm “làm nhiều ăn nhiều, làm lớn ăn lớn, làm lâu dài ăn bền vững”?

Thôi, đừng lên tiếng, đừng chỉ trích nữa! Lỗi ở đây là do cơ chế chứ không phải do cán bộ. Ai mà dám đổ lỗi cho cán bộ thì coi chừng “ảnh hưởng đến đại cục” nghe chưa!…

(Theo Bút Danh)