Khủng bố tại Thành phố Hồ Chí Minh, lời cảnh báo cho một nguy cơ
Vào ngày 20 tháng 6 năm 2018, một vụ khủng bố nghiêm trọng đã xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi những kẻ khủng bố đã dùng thuốc nổ để tấn công vào trụ sở Công an phường 12 thuộc Quận Tân Bình gây ra một chấn động lớn cho những người dân trên toàn thành phố.
Tuy vụ nổ không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của nhưng đó đã là một lời cảnh báo cho một nguy cơ khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam. Chính vì thế, cần thiết phải có một sự nhìn nhận và đánh giá lại một cách xác thực hơn về vấn đề này, để từ đó có thể phòng tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Đã từ lâu, Việt Nam được xem là một quốc gia yên bình, được thế giới đánh giá là một quốc gia có nền an ninh số 1 không có khủng bố. Thế nhưng, sau vụ khủng bố vào năm 2017 khi mà các đối tượng khủng bố đã thực hiện việc ném bom xăng làm gây cháy 320 chiếc xe tại Kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), và mới đây nhất là vụ khủng bố bằng thuốc nổ tại trụ sở Công an phường 12, thuộc quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta đã thực sự boàng hoàng và lo ngại cho nền an ninh quốc gia hiện nay.
Theo đó, sau khi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, phát hiện, Tổ chức khủng bố trực tiếp chỉ đạo và đứng đằng sau giật giây các vụ việc này đã được xác định là nhóm khủng bố có tên “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân sinh năm 1952 hiện đang sống lưu vong tại Mỹ cầm đầu. Theo đó, vào ngày 30/01/2018, Bộ Công an Việt Nam đã chính thức thông báo tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là tổ chức khủng bố căn cứ vào pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Theo thông tin từ Bộ Công an, tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có tiền thân là tổ chức “Tân Dân Chủ” có trụ sở đặt tại 2807 Anaheim, là một thành phố của Mỹ và đối tượng cầm đầu, chỉ huy tổ chức này là Đào Minh Quân (tức Đào Văn) sinh ngày 27/07/1952 tại Thừa Thiên-Huế mang quốc tịch Mỹ, tự xưng là “Thủ tướng” của tổ chức này.
Sau khi thành lập vào năm 1991, Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu và một số đối tượng khác đã đến các trại tị nạn của người Việt ở Hồng Kông và các nước Đông Nam Á để tuyển mộ lực lượng, sau đó đưa về Việt Nam theo đường hồi hương để tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại. Vào năm 2015, số cầm đầu này đã chỉ đạo cơ sở móc nối, lôi kéo phát triển lực lượng, thành lập các “chí nguyện đoàn” trong nước, khảo sát tìm địa điểm lập căn cứ, mua vũ khí nhằm thực hiện các hoạt động manh động, khủng bố nhưng đã bị các cơ quan An ninh Việt Nam kịp thời phát hiện ngăn chặn, bắt và xử lý 4 đối tượng.
Vào năm 2017, sau khi gây ra vụ khủng bố ném bom xăng gây cháy 320 chiếc xe tại Kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và tiến hành đặt bom xăng tại nhà xe và cổng ga quốc tế đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lên kế hoạch gây cháy, nổ trụ sở các cơ quan công quyền và một số nhà máy, xí nghiệp nhưng đã bị cơ quan chức năng Việt Nam ngăn chặn, 15 đối tượng là thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” này đâ bị bắt giữ và bị khởi tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 84 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999. Sau đó, vào tháng 12/2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt các đối tượng từ 4-16 năm tù.
Tuy nhiên, từ tổ chức khủng bố này, một nhóm khủng bố có tên là “Triều đại Việt” đã được tách ra và trực tiếp chỉ đạo việc tấn công bằng mìn tự chế tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20/06 vừa qua. Thủ đoạn của nhóm khủng bố này là dụ dỗ, lôi kéo và kích động các phần tử thiếu hiểu biết, nhẹ dạ và cả tin trong nước để tiến hành khủng bố theo hình thức cho tiền và hứa hẹn một tương lai nào đó.
Trên thực tế, đã từ lâu, các thế lực phản động và chống phá cách mạng Việt Nam luôn có những có những âm mưu, thủ đoạn nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bằng nhiều hình thức và con đường khác nhau. Đặc biệt, từ khi bùng nổ mạng Internet và truyền thông, các tổ chức chống phá này đã lợi dụng mạng xã hội để kích động, tuyên truyền nhằm chống lại Đảng và Nhà nước, từ đó rủ rê, lôi kéo các phần tử trong nước tham gia hoạt động.Nguyễn Khanh, kẻ mù quáng với giấc mộng “đứng trên thiên hạ” đã lôi kép con trai mình và người thân vào tổ chức khủng bố trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
Theo thống kê của Cơ quan An ninh Việt Nam thì tính đến nay đã có hơn 2.500 trang web, blog, mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức phản động đang hoạt động và đăng tải các tin, bài viết, bình luận, phỏng vấn với mục đích tuyên truyền phá hoại tư tưởng nhằm chống phá lại Đảng và Nhà nước, trong đó nổi lên là các trang như: “Dân làm báo”, ”Quan làm báo”, “Dân luận”, ”Việt Tân”… .
Những tin, bài viết tuyên truyền chống phá trên mạng xã hội có số lượng và tần suất đăng tải lớn, nội dung đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với thủ đoạn tuyên truyền và xuyên tạc tinh vi, rất xảo quyệt, khó nhận biết, khó phân biệt thật, giả đã tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến tư tưởng, hành vi của một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên và giới văn nghệ sĩ.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người dân do bản lĩnh chính trị yếu kém, tư tưởng hám lợi, bất mãn đã bị tác động bởi các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc nên bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch, phản động, dẫn tới có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Và mới đây nhất, các tổ chức khủng bố đã thông qua mạng xã hội để rủ rê, lôi léo các phần tử tại Việt Nam tiến hành khủng bố tại Thành phố Hồ Chí Minh như đã nói trên. Trong vụ việc này, phải nói rằng công tác an ninh của chúng ta đã làm chưa tốt. Bởi Tổ chức khủng bố trực tiếp đứng đằng sau giật giây trong vụ việc này là nhóm “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đã được phát hiện và thông báo rộng rãi trong quần chúng từ lâu.
Chúng ta chưa có sự theo dõi sát sao các hoạt động của Tổ chức này nên mới để xảy ra vụ việc như vậy. Đặc biệt, công tác theo dõi và bám sát các đối tượng, phần tử có vấn đề về tư tưởng, lối sống tại các địa phương cũng chưa được làm tốt bởi nên khi các đối tượng, phần tử này thực hiện hành vi khủng bố và bị bắt giữ thì chúng ta mới phát hiện ra. Mặc dù chỉ sau một thời gian ngắn, các đối tượng gây án đã bị bắt giữ nhưng đó đã thực sự là một lời cảnh báo cho một nguy cơ khủng bố tại Việt Nam. Và đây có thể được coi là một bài học cho công tác nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng và chống tội phạm khủng bố trong giai đoạn hiện nay.
Chính vì thế, các yêu cầu đặt ra là sẽ đòi hỏi các lực lượng Công an nhân dân phải thường xuyên nắm bắt, nhận thức sâu sắc những diễn biến tình hình, dự báo đúng, chính xác những nguy cơ, thách thức mới đặt ra, lường trước những tình huống phức tạp có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Từ đó, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, chủ động triển khai các chủ trương, giải pháp, phương án phòng ngừa nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời và hiệu quả các tình huống xảy ra.
Khi đó, trong công tác này sẽ đặt ra yêu cầu là phải đảm bảo thường xuyên cho hai cấp độ, một là công tác đấu tranh, theo dõi, bám sát thường xuyên các tổ chức khủng bố đã được thành lập nhằm chống phá Việt Nam, và hai là cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cùng với việc theo dõi, bám sát thường xuyên các đối tượng, các phần tử trong nước có thể dễ bị lôi kéo, lợi dụng. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát và đảm bảo an ninh trên mạng, bởi mạng xã hội là nơi mà các tổ chức khủng bố dễ sử dụng để tuyên truyền, rủ rê, lôi kéo các thành phần trong nước tham gia. Có như vậy nhân dân mới cảm thấy được sư an tâm và sống trong thanh bình.
Theo Butdanh