Khi chính quyền địa phương không lựa chọn giống nhân dân

Trong khi các doanh nghiệp làm đường một chỗ, thu BOT một nẻo, cơ quan chức năng cứ mãi ậm ờ dù người dân bức xúc và phản kháng thì người dân bỏ tiền túi ra làm đường cho bà con đi lại lâm vào vòng lao lý. Đúng là muốn làm người tốt cũng khó…

Câu chuyện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) bắt phạt ông Bùi Hoàng Anh vì có hành vi tự ý bỏ tiền ra làm đường cho bà con cùng đi đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Vụ việc này trên xảy ra từ đầu tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền xã đã làm việc với ông Bùi Hoàng Anh để đi đến thống nhất. Theo đó, ông Anh cam kết sẽ phá nát con đường nhựa mà ông đã làm để trả nó về hiện trạng ban đầu là con đường đất. Đúng là một chuyện ngược đời. Vẫn biết việc làm đường của ông Bùi Hoàng Anh chưa được cấp phép, chưa được chính quyền đồng ý. Vậy nhưng thay vì xử lý một cách cực đoan như trên, tại sao chính quyền không xem xét, đánh giá lại toàn bộ vụ việc để có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn? Nếu cứ thích “quay về thời kỳ đường đất” thì có lẽ xã hội này còn lâu mới có thể phát triển.

Đường nhựa được bà con đóng góp tiền của, công sức làm ra bị chính quyền bắt phá bỏ

Liệu có hợp tình hợp lý?

Nói thẳng, tôi chẳng biết lãnh đạo xã này nghĩ gì mà lại “bắt vạ” người dân chỉ vì họ tự bỏ tiền túi ra làm đường. Hay chăng, vì họ làm đường mà không hỏi ý kiến các ông, vì họ làm đường mà không “lo lót” các ông trước nên các ông sẵn sàng đạp đổ?

Trong vụ việc này, rõ ràng ông Bùi Hoàng Anh và bà con bỏ tiền ra làm đường mà chưa hỏi ý kiến chính quyền là có phần sai. Vậy nhưng cái sai này hoàn toàn có thể “du di” được. Mặt khác, dù có xử phạt thì chính quyền cũng có nhiều cách thay vì bắt ông Bùi Hoàng Anh phải khôi phục lại trạng thái ban đầu (đưa con đường về thời kì đường đất). Việc xử lý sai phạm ở nước ta có một đặc điểm là bên cạnh cái lý, người ta còn phải có cái tình. Vậy nhưng chính quyền xử lý theo kiểu “cạn tàu ráo máng” như trên thì thử hỏi cái tình ở đâu?

Chúng ta phải thấy rằng việc ông Anh làm đường là để phục vụ cho mọi người trong khu vực cùng đi chứ đâu phải để ông làm kinh tế, thu lợi nhuận mà phải “chèn ép” đến mức tịch thu máy móc, buộc ông Bùi Hoàng Anh đập phá con đường đã làm. Trong khi chính quyền chưa đủ kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt của bàn con nhân dân, việc người dân bỏ tiền ra để đóng góp cho xã hội là một điều đáng khích lệ. Theo như Trung ương vẫn nói thì chúng ta phải phát huy các nguồn lực “xã hội hóa”, khích lệ việc nhà nước và nhân dân cùng làm. Ấy vậy nhưng khi dân làm chính quyền bắt đạp bỏ như trên thì có lẽ từ đây, chẳng ai còn thiết tha hợp tác với chính quyền. Mà nói thật, trong chuyện này, ông Bùi Hoàng Anh có thể bị thiệt hại vài ba trăm triệu nhưng người dân địa phương thì bị thiệt hại hơn gấp nhiều lần. Nếu nghĩ cho dân, có lẽ chẳng vị lãnh đạo nào sẽ hành xử như cách mà lãnh đạo xã Tân Thạnh Đông đã làm.

Từ việc người dân bỏ tiền làm đường nghĩ về BOT

Từ chuyện người dân bỏ tiền túi ra làm đường nghĩ về các con đường thu phí BOT, tôi cảm thấy không khỏi xót xa. Một bên, người dân tự đóng góp để làm đường sinh hoạt, chẳng hề thu phí đi lại, chẳng bắt ai phải nộp tiền này, tiền kia nhưng vẫn bị chính quyền bắt phá bỏ vì “chưa được cấp phép”. Trong khi đó, những trạm thu phí BOT đặt sai chỗ, thu sai đường chỉ vì “được cấp phép” mà được ngang nhiên tồn tại, thậm chí còn được chính quyền bảo hộ. Có những nơi, người ta còn bất chấp lợi ích của nhân dân, sẵn sàng đứng về phía các trạm BOT sai trái. Thế mới thấy, đúng – sai, phải – trái theo đánh giá của những người có chức, có quyền đâu phải khi nào cũng trùng khớp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Vậy đâu là nguyên nhân của sự “lệch khớp” này? Là do chính quyền quá “cao siêu” hay vì người dân quá “ngu muội” nên những ý tưởng lớn chẳng thể gặp nhau? Hay chăng, vì những góc khuất, vì những lợi ích phía sau mà chính quyền và nhân dân ngày càng xa cách?

Trong các vụ việc trên, chính quyền đã không chọn lợi ích của nhân dân. Vậy thì sau này cũng đừng hỏi vì sao nhân dân lại không chọn chính quyền. Suy cho cùng, tất cả những điều này đang hình thành nên một rào cản vô hình nhưng vô cùng chắc chắn giữa người dân với các cán bộ.

Không khó để nhận thấy, việc chính quyền bắt người dân phá bỏ con đường mà họ bỏ tiền ra là ở trên khiến người dân không khỏi bực tức. Nói thẳng ra, việc vận động người dân bỏ tiền ra làm đường thì khó chứ việc bắt họ phá bỏ một con đường thì đâu khó khăn. Chắc chắn, sau vụ việc bắt người dân phá đường nhựa về đường đất này sẽ khiến cho khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng bị kéo xa.

Hài hòa lợi ích. Đó là việc một người lãnh đạo có năng lực phải làm. Thế nhưng trong trường hợp trên, tôi có cảm giác dường như lãnh đạo địa phương đã chọn một lợi ích vô hình nào đó mà bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng, của nhân dân. Dù không biết “ẩn ý” phía sau hành động của chính quyền Tân Thạnh Đông là gì nhưng có lẽ nó không phải là một điều thông minh.

(Theo Bút Danh)