Hà Nội: Thu hồi đất đền bù với giá bèo, nhiều hộ dân sắp rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”

Với mức bồi thường khi thu hồi đất quá thấp, nhiều người dân sinh sống tại phường Vĩnh Hưng vô cùng bức xúc và gửi đơn cầu cứu.

Nhiều hộ dân đang sở hữu đất ổn định từ trước năm 1993 ở ngõ 259 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bỗng dưng bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng trường mầm non, nhưng với mức đền bù rẻ mạt: một mét đất chưa mua nổi một cân thịt bò…

Năm 2008, bà Dương Thị Xuyến mua mảnh đất có diện tích 152m2, thuộc tổ 4 ngõ 259 phường Vĩnh Hưng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận Hoàng Mai cấp ngày 31/7/2008, với giá  hơn 3 tỷ đồng. Bà Xuyến đã nộp gần 600 triệu tiền thuế để hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà Xuyến đã nộp đủ tiền thuế đất và làm nhà ở sinh sống ổn định trên mảnh đất này. 17 hộ dân khác ở ngõ 259 phường Vĩnh Hưng cũng đã được UBND quận Hoàng Mai ra quyết định số 1804/QĐ/UBND ngày 31/2008 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các hộ dân đều đã thực hiện đầy đủ nghĩ vụ nộp thuế trong quá trình sử dụng đất.

Nhưng bỗng dưng sau đó, UBND quận Hoàng Mai đã hủy quyết định 1804 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 18 hộ gia đình và thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

Năm 2017, các hộ dân ở đây đã bất ngờ nhận được thông báo của UBND quận Hoàng Mai thu hồi đất của tất cả các hộ gia đình để thực hiện Dự án xây trường mầm non Vĩnh Hưng tại ô F2/NT3.

Điều đáng nói là UBND quân Hoàng Mai đã đưa mức đền bù hỗ trợ về đất hết sức rẻ mạt, 252 nghìn đồng cho 1m2.

Quyết định này đã đẩy nhiều hộ gia đình vào nguy cơ không chốn nương thân, thậm chí rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Hầu hết các  hộ gia đình nằm trong diện bị thu hồi đất đều nghèo, có những hộ chỉ có một chỗ ở duy nhất. Có những hộ đang nợ ngân hàng khi vay tiền mua đất.

Ngõ 259 phường Vĩnh Hưng – nơi nhiều hộ dân bị thu hồi đất với mức hỗ trợ đền bù rẻ mạt, rất nhỏ hẹp không phù hợp với dự án xây dựng trường mầm non của quận Hoàng Mai.
Đặc biệt hộ gia đình ông Dương Văn Phồ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhưng có hoàn cảnh rất khó khăn, nếu bị thu hồi đất với mức đền bù hỗ trợ rẻ mạt, gia đình của người anh hùng này sẽ bị đẩy ra đường.

Bà Dương Thị Xuyến tâm sự: “Đất của chúng tôi đã mua bán hợp pháp, sử dụng ổn định lâu dài. Mảnh đất của  tôi  đã được quận cấp sổ đỏ, tôi đã nộp thuế phí , đầy đủ những bỗng dưng quận thu hồi đất với mức bồi thường rẻ mạt theo khung giá đất nông nghiệp, đẩy gia đình tôi và hàng trăm con người khác vào tình cảnh hết sức khốn khó.

“Tôi mua  đất giá 30 triệu/m2, giờ chỉ được bồi thường với giá 252 nghìn 1m2!? Cả gia sản lớn bỗng dưng gần như bị mất trắng. Khi bị thu hồi đất, chúng tôi cũng không hề được xem xét tái định cư”, bà Xuyến buồn rầu nói.

Vị trí xây dựng trường mầm non không hợp lý

Những người dân ở ngõ 259 phường Vĩnh Hưng mặc dù đều ủng hộ dự án xây trường mầm non để phục vụ nhu cầu dân sinh, nhưng họ đều cho rằng dự án xây trường mầm non  tại ô F2/NT3 không hợp lý.

Bởi lẽ, ô F2/ NT3 ở trong một con ngõ hẹp, nằm xen kẹt  trong khu dân cư. Ngõ hẹp, chật chội,  ô tô không có lối vào, cảnh quan không phù hợp với môi trường giáo dục.

Với dự án trường mầm non có tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của 560 học sinh thì việc xây ngôi trường lớn như vậy trong ngõ hẹp sát khu dân cư là không phù hợp. Mặt khác trên địa bàn phường Vĩnh Hưng còn rất nhiều đất công, đáp ứng đủ các tiêu chí cảu môi trường sư phạm để xây dựng trường mầm non. Vậy vì sao không lựa chọn những địa điểm đó để xây trường mầm non, mà nhất thiết phải xây trường ở trong con ngõ hẹp, đẩy nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh mất nhà?

Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng khi nhà nước lấy đất phục vụ các dự án thì phải chứng minh là không còn đất nào khác, không có phương án nào khác  ngoài việc lấy đất của các hộ dân ở ngõ 259 phường Việt Hưng.

Nếu thực hiện dự án theo quy hoạch thì quy hoạch phải hợp lý, hơn nữa khi quy hoạch đã lấy ý kiến của dân chưa. Tôi cho rằng nếu lấy ý kiến thì chắc chắn người dân không đồng thuận. Vậy vì sao người dân không đồng thuận mà vẫn quy hoạch?

theo PhapluatPlus