Giá điện bậc thang: Một kiểu bòn rút, hút m.á.u dân trắng trợn của ngành điện

Từ trước đến nay ngành điện vẫn đưa ra lời giải thích về việc tại sao giá điện phải chia theo bậc thang. Họ đưa ra 2 lý do:

– Thứ nhất: Nguồn tài nguyên tạo ra điện vốn hữu hạn và đang dần trở nên khan hiếm, nên mặt hàng này không khuyến khích tiêu dùng

– Thứ hai: Để tăng cường ý thức tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ môi trường.

Vậy sự thực thì sao?

Nói về sự hữu hạn thì trên thế giới này có lẽ chỉ nước biển và cát ở sa mạc Sahara mới là vô hạn. Hiện nay thủy điện chiếm khoảng 36% cơ cấu, đây là loại năng lượng gần như vô hạn, bởi chỉ khi nào trời hết mưa thì mới hết nước phát điện. 64% còn lại là điện chạy dầu diesel, than, gió, mặt trời.. (gió và mặt trời được xếp loại năng lượng xanh thì không nói đến nữa).

Xét về tổng mức tiêu thụ, thì ngành điện chưa chắc đã sử dụng nhiều dầu và than hơn các ngành khác (như luyện cán thép hay giao thông vận tải…). Vậy tại sao các ngành đó không áp dụng bậc thang để tiết kiệm tài nguyên?

Ở khía cạnh khác, sản lượng tiêu thụ dầu và than của VN so với các nước công nghiệp chỉ là phết, phẩy; nước ta lại đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, lẽ ra sử dụng điện phải là một chỉ số minh chứng cho sự phát triển kinh tế và đời sống được nâng cao; càng dùng nhiều thì càng chứng tỏ GDP tăng trưởng nhanh. VN chưa giàu có đến mức phải dành ưu tiên lo toan cho những thứ quá xa vời, tầm toàn cầu; mà mục tiêu chính hiện nay là làm sao cho dân giàu, nước mạnh cái đã. Sợ hết than, sao còn xuất khẩu ầm ầm?

Nói về tàn phá môi trường, có lẽ ngành điện hiện nay cũng chả kém ai?. Hãy nhìn những “dòng sông chết” suốt chiều dài đất nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền trung và tây nguyên do ngăn đập, nắn dòng để xây các công trình thủy điện lớn nhỏ. Nhiều vùng hạ du đang khát cháy do sông không còn nước. Rồi thời gian qua các nhà máy nhiệt điện mọc lên như nấm, đang ngày đêm tỏa khói mịt mù, mà người ta đồn rằng chúng đều là rác chuyển từ Trung Quốc sang?

Còn bảo chia bậc thang để tăng cường ý thức tiết kiệm điện thì đúng là lo bò trắng răng và quá coi thường nhận thức của người dân. Không ai tự mình muốn mất tiền cả. Người dân thừa thông minh để biết phải tiêu dùng như thế nào cho phù hợp với túi tiền của mình. Dùng nhiều, ý thức tiết kiệm kém thì cứ móc túi ra mà trả, có ai trả thay họ đâu. Còn nói dùng nhiều sản lượng điện sẽ không đáp ứng được thì chỉ chứng tỏ ngành điện quá yếu kém trong khâu dự báo và xây dựng các nguồn điện mới. Thiếu vốn ư? Thiếu sao còn dùng hàng ngàn tỷ đầu tư ngoài ngành?

Vậy thì chỉ còn mỗi một lý do duy nhất để duy trì cái bậc thang kia, đó là… money. Đến đứa trẻ học hết cấp 1 cũng tính ra được sự chênh lệch về lượng tiền thu về giữa bậc thang và không bậc thang. Điều vô lý ở chỗ, E'VN mua vào thì đồng giá, nhưng bán ra lại theo bậc thang. Đúng là “quyền sinh quyền sát”.

Giả sử bây giờ mua cân gạo, lạng thịt ở chợ cũng áp dụng bậc thang thì sao? Thì người bán hàng đấy có mà “điên nặng”. Bởi nó hoàn toàn đi ngược lại với nguyên lý của kinh tế thị trường, là mua nhiều có khi còn được khuyến mại, giảm giá. Biết là lợi nhuận sẽ khủng đấy, nhưng tại sao bà bán gạo, chị hàng thịt lại không dám làm và không thể làm được như ngành điện? Đơn giản thôi, bởi xung quanh đấy còn có rất nhiều quầy bán gạo, bán thịt khác…

Nguồn: FB Nhím Xinh