Sự trung thực muộn màng?!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tới 5 thí sinh trên 53 tuổi. Trong đó có ông Mai Xuân Khiêm, 54 tuổi, hiện là Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai. Việc này gây nên những ý kiến trái chiều trong dư luận, có nhiều người tỏ vẻ thích thú, nhưng cũng có nhiều người nói thấy chua chat với vấn nạn gian dối bằng cấp.

Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Mai Xuân Khiêm tham gia thi lấy bằng cấp 3 tại điểm thi Huỳnh Thúc Kháng

Sự trung thực trong nền hành chính công

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hiểu biết cán bộ – Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”

Nên, khi nói đến sự trung thực về bằng cấp trong nền hành chính, ắt hẳn chúng ta không thể quên được sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg bị phát hiện đạo văn và bị tước bằng tiến sĩ năm 2011. Ngài Bộ trưởng Quốc phòng này tỏ thái độ tự trọng bằng cách từ chức.

Việc này cho thấy, dù các vị Bộ trưởng có quyền lực, nhưng quyền lực đó không thể bảo vệ đ ược sự dối trá, không đe dọa được những người có quyền lực khoa học. Dù sao hành động từ chức của ông Karl-Theodor zu Guttenberg cũng đáng để nhiều người nể phục.

Hoặc, việc thi cử, bằng cấp thời phong kiến, có những giai đoạn thi cử để lấy bằng cực kỳ nghiêm. Điển hình như vụ con trai nhà bác học Lê Quý Đôn. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên. Khoa thi Hội năm 1775, con trai Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt đã cùng Đinh Thì Trung đổi quyển thi cho nhau. Việc bị bại lộ, Đinh Thì Trung bị khép tội đày đi Yên Quảng, còn Lê Quý Kiệt bị bắt giam vào ngục cấm. Đại thần Lê Quý Đôn – Lại bộ tả thị kiêm Quốc sử quán tổng đài, vì chuyện của con, phải chuyển về phủ Thuận Hoá (nay là Quảng Trị – Quảng Nam) giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ.

Còn bây giờ, câu chuyện thất lạc hồ sơ, giờ lại thất lạc bằng cấp 3 của cán bộ này, cán bộ kia ở các địa phương nọ trong thời gian qua phải gọi là ‘phổ biến’ đến nỗi nó đã trở thành chuyện bình thường.

Dư luận từng “nóng” về thông tin 57 cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị bị thất lạc bằng cấp 3. Hoặc một vị Trưởng phòng ở tỉnh Hải Dương không có bằng cấp 3 chẳng hạn..v..v.

Đạo đức xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi xã hội thương mại, xã hội hàng hóa. Tình trạng mua bán bằng cấp, sử dụng bằng giả đã khiến đạo đức của nhiều cán bộ xuống cấp. Đáng buồn là những người sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ với động cơ xấu. Càng leo cao thì họ càng gây nguy hiểm cho cơ quan, cho cộng đồng.

Theo đó, sự trung thực của một bộ phận cán bộ trong việc sử dụng bằng cấp của nền hành chính công vẫn là một dấu hỏi lớn. Và nó thật sự là thách thức lớn của nền hành chính, công vụ hiện nay.

Việc làm đáng khen hay đáng chê?

Có một thực tế là, ở nước ta hiện nay có khá nhiều các trường hợp có bằng tốt nghiệp ĐH, Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ nhưng vẫn thất nghiệp. Tốt hơn thì có thể đi làm một công việc trái ngành, trái nghề so với chuyên ngành được đào tạo chính quy. Do đó, vấn đề: Có một tấm bằng đẹp liệu có đủ đáp ứng cho một vị trí làm việc tốt hay không? Nó vẫn còn là chủ đề được nhiều người đưa ra bàn luận và chưa có hồi kết.

Có lẽ thế nên bản thân các vị ở trong tình thế này cũng chẳng trách được dư luận khi có không ít người tỏ ra hoài nghi rằng: Với chức vụ đương nhiệm, chỉ riêng việc họp hành, khai trương, tổng kết… đã chiếm hết thời gian làm việc trong ngày. Vậy các vị còn đâu sức lực nữa mà học nào là cao cấp chính trị, quản lí hành chính, ĐH tài chính, ĐH luật, kinh tế…?

Vì thế, không có gì khó hiểu việc không ít người phản đối, lên án chuyện Phó Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tham gia kỳ thi THPT Quốc gia để lấy bằng, bổ sung vào hồ sơ cá nhân của mình.

Dù cho Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh gia Lai cho biết rằng, hồ sơ đăng ký dự thi của ông Khiêm thể hiện ông chưa tốt nghiệp THPT. Ông Khiêm thi đợt này để được xét công nhận tốt nghiệp THPT tại điểm trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai.

Được biết, hồ sơ cho thấy ông Khiêm đã hoàn thành chương trình cấp THPT từ năm 1989 tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhưng lại không có điểm trung bình lớp 12, chỉ xếp loại học lực trung bình, hạnh kiểm tốt.

Nhưng có người vẫn băn khoăn: “Tại sao ông Phó Chánh thanh tra 54 tuổi này không đi bổ túc bằng phổ thông trước dây 20 năm mà phải chờ gần hết nhiệm kỳ để về hưu mới bổ sung? Nếu công tác bổ nhiệm cán bộ thế này thì cứ bổ nhiệm cán bộ trẻ hay trẻ con, xong rồi cho đi học và chờ tốt nghiệp về làm, còn hơn là cho ông này làm!”

Tuy nhiên, đáng hoan nghênh ở chỗ, ông Mai Xuân Khiêm cũng đã có cố gắng nhất định và không sử dụng bằng giả. Còn vấn đề chuyên môn thì trong quá trình làm việc chắc vị này cũng có sự học hỏi và tiếp thu mới làm được đến chức vụ Phó Chánh thanh tra Sở.

Khách quan mà nói, nhiều trường hợp bổ nhiệm cán bộ ở thế hệ của ông Khiêm thuộc giao thời, cần bổ sung nhân lực. Nên nhớ, các thầy cô dạy tiểu học, trung học thời kỳ trước đổi mới hoặc ở thập kỷ 80 cũng thường học hết chương trình 9+3, học thêm mấy tháng hè thế là ra đi dạy. Ai tốt nghiệp được PTTH thì cũng được tỉnh cử tuyển đi học cao đẳng luôn trong mấy cái hè, rồi vừa dạy vừa học.

Trong trường hợp của ông Khiêm đi thi đợt này, giờ cơ chế cần thì người ta đi thi để hoàn thiện cho đúng quy định. Phải khâm phục vì 54 tuổi mà còn chịu khó thi để lấy bằng cấp 3 (không phải thi lấy bằng ĐH, CĐ), chứ không đi mua bằng như nhiều người khác.

Rõ ràng, vị Phó Chánh Thanh tra Sở trải lòng về chuyện đi thi lấy bằng cấp 3, ít nhiều đã cho thấy lòng trung thực, không gian dối bằng cấp của cán bộ này dù hơi muộn. Để môi trường hành chính công trong sạch hơn, chúng ta phải thấy đó là chuyện bình thường, chứ không thể nói đó là cá biệt hay đáng để lên án.

(Theo Butdanh.net)