F’LC có uy lực như thế nào khiến tỉnh Quảng Ngãi phải huy động cả một hệ thống chính trị tích cực hỗ trợ dự án?

Tập đoàn F'LC của đại gia Trịnh Văn Quyết là nỗi ám ảnh của hàng vạn dân nghèo bởi F'LC đi đến đâu đều dùng chính quyền sở tại cướp đất của dân đến đấy. Chính vì thế nhiều người dân phải chịu cảnh mất nhà, mất đất, mất kế sinh nhai rơi vào cảnh cùng cực, đến nỗi họ phải kéo lên ủy ban tỉnh để phản đối, chặn đứng lễ khởi công, gửi thư cầu cứu Thủ tướng… thế nhưng dường như mọi bất công không hề được xử lý và F'LC vẫn vươn “vòi bạch tuộc” khắp nơi. Nay đặt chân đến Quảng Ngãi triển khai dự án, lần này F'LC lại được tỉnh ưu ái hàng ngàn ha đất, sẵn sàng tạm ứng hàng trăm tỷ đồng thậm chí là di dời cả đồn biên phòng – hi sinh an nguy quốc gia để nhường chỗ cho F'LC làm dự án. Nhiều người tự hỏi, vì sao F'LC lại có uy lực như thế?

Ông Trịnh Văn Quyết (chỉ tay), ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bên phải ông Quyết) và Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (thứ hai bìa phải) trong lần đi thực tế dự án
Dự án cướp đi nơi chôn nhau cắt rốn của hàng ngàn ngư dân nghèo

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị F'LC Bình Châu – Lý Sơn rộng gần 4.000 ha phủ dài từ bờ biển Bình Châu, ra cả đảo Lý Sơn. Đây là nơi mà hàng ngàn cư dân các xã Bình Hải, Bình Hoà, Bình Phú gắn bó với biển, tần tảo mưu sinh và tồn tại qua biết bao đời cha ông. Đất ấy, vườn ấy, biển ấy luôn gắn bó với người dân như hình với bóng. Hai thực thể tồn tại bên nhau, nương dựa vào nhau quen thuộc đến gần như thuộc về bản năng, vô thức. Nay người dân Bình Châu – Lý Sơn có nguy cơ mất hẳn chỗ nương tựa vì dự án của F'LC. Những ngư dân ấy biết làm gì khi vây bủa xung quanh là những resort, khách sạn, sân golf mênh mông với những bức tường cao chất ngất? Nhiều người tự hỏi Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi – ông Trần Ngọc Căng có nghiên cứu kỹ đến sinh cảnh sống của ngư dân hay chưa, sao lại vội vàng quyết định triển khai dự án gây xáo động nơi đây?

Phê duyệt thần tốc

Được biết ông Trần Ngọc Căng hợp nghe báo cáo phương án giai đoạn 1 của dự án hôm 17/04, ngay sau đó Văn phòng UBND tỉnh đã có thông báo hỏa tốc, đến các sở, ngành, huyện, xã, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng về việc khẩn trương triển khai khởi công dự án này ngay dịp 19/05/2018. Thậm chí ông còn chỉ đạo lập ra hẳn một tổ công tác liên ngành do phó chủ tịch tỉnh thường trực làm tổ trưởng, giám đốc công an tỉnh, giám đốc các sở ngành và các ban bệ làm tổ viên để hỗ trợ F'LC.

Điều này khiến nhiều người dân ngỡ ngàng vì chưa định hình được thông tin dự án. Trả lời PV, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, ông Phùng Bá Vương nói: chưa hề hay biết gì về dự án. Ngay Bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cũng cho rằng: chỉ nghe thông tin sau khi báo chí phản ánh. Còn ông Đỗ Minh Hải – GĐ Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ngãi – khẳng định hiện chưa có chủ trương chính thức nào về dự án F'LC.

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận phản ứng với cái văn bản của ông Chủ tịch, bởi từ ngày ký đến ngày triển khai dự án chỉ vỏn vẹn gần 1 tháng. Liệu Quảng Ngãi đã nghiên cứu dự án hay chưa, hay dựa vào “bánh vẽ” trên giấy rồi đồng ý ngay và luôn mà không cần phải thông qua bước khảo sát nghiên cứu đánh giá? Rồi chừng ấy thời gian có đủ để bàn giao một diện tích đất ven biển và cả đảo hơn 1200 ha (giai đoạn 1 dự án) không?

Công văn hỏa tốc thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ưu ái cho F'LC xây khách sạn, sân golf. Ảnh: Vũ Phương.
Hậu quả khi triển khai dự án

Bình Châu – Lý Sơn không chỉ đơn thuần là nơi “chôn nhau cắt rốn” của hàng ngàn ngư dân mà nơi đây còn là vùng đất quan trọng trong chiến lược phòng thủ an ninh quốc phòng, đặc biệt là với an ninh biển đảo. Mỗi ngày, ngư dân vẫn bám biển, vươn khơi làm ăn, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo. Vì có vị trí chiến lược như thế nên hôm 29/01/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định đồng ý xây mới đồn biên phòng Bình Hải (Huyện Bình Sơn). Chữ ký còn chưa khô mực thì ông Chủ tịch lại yêu cầu di dời sang nơi khác để nhường đất cho F'LC. Tại sao người ta lại có thể đánh đổi vận mệnh quốc gia chỉ vì dự án như thế?

Chưa kể, khi dự án triển khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể trầm tích núi lửa Gành Yến. Rồi đảo Bé huyện Lý Sơn – vị trí mà cách đây chưa đầy một năm Quảng Ngãi từng tiêu tốn 50 tỷ làm hồ sơ công nhận Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn (2017-2024). Nguy cơ vẻ đẹp hoang sơ nơi đây sẽ bị tàn phá nhưng vì sao người ta vẫn quyết tâm thực hiện? Điều chỉnh quy hoạch là điều tối kỵ của phát triển, bài học này đã thấy ở Đà Nẵng khi đất công viên quy hoạch rồi, nhà đầu tư vào chỉnh quy hoạch sang mục đích kinh tế, đất du lịch ven biển điều chỉnh thành phân lô. Vỡ hết quy hoạch điện nước, an sinh xã hội trước đó. Liệu khi giao đất cho F'LC ở các khu vực đã quy hoạch thì có bị phá vỡ?

Tại sao Quảng Ngãi quyết tâm ưu ái F'LC?

Suốt 20 năm qua, nơi đây đã có nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng mọc lên nhưng đa phần là thất bại như: khu du lịch Thiên Đàng, dự án treo ở biển Mỹ Khê, Tịnh Khê…Vì sao chính quyền Quảng Ngãi không “dang tay” giúp họ??? Nhưng khi F'LC làm dự án, Quảng Ngãi lại huy động cả “hệ thống chính trị” rồi còn lập hẳn đơn vị hỗ trợ. Đây là trường hợp thường được dùng khi khẩn cấp cứu dân trong thiên tai, trong phòng chống tham nhũng, chưa có tiền lệ dùng để ưu ái cho dự án. Vì sao ông Căng lại quyết tâm đồng hành cùng F'LC mạnh mẽ như thế? Phải chăng vì cái “lại quả” quá lớn, hay do sức ép khủng khiếp buộc phải phê duyệt?

Cảnh hoang sơ tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: TẤN VIỆT
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi còn cho phép F'LC chừa lối đi ra biển trung bình cứ 8km/lối…Với diện tích cấp đất tương đương với một xã mà tận 8km mới có 1 lối đi, người dân đi bộ mất 2h mới được ra biển đánh bắt, phê duyệt này chẳng khác nào đang cấm biển ngư dân. Họ sẽ sống ra sao nếu F'LC bịt lối đi ngăn không cho người dân xuống biển như ở Thanh Hóa? Bài học về giao đất cho dự án, bịt hết lối xuống biển của dân ở Đà Nẵng còn sờ sờ ra đó, đòi lại vừa mất tiền vừa bị chửi là thẩm định kém, chả lẽ không đủ để Quảng Ngãi rút kinh nghiệm? Rồi chưa kể khi có chiến sự xảy ra, xuống biển bằng đường nào?

Điều đáng nói nữa là, Quảng Ngãi là tỉnh nghèo năm nào cũng xin gạo cứu đói, thế nhưng tỉnh rất hào phóng tạm ứng 500 tỷ đồng từ ngân sách để giúp F'LC thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu có năng lực tài chính đủ để triển khai dự án hàng ngàn ha đất, thì tại sao phải tạm ứng trước? Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu tương lai Bình Châu – Lý Sơn có giống như Khu công nghiệp Hoàng Long – Thanh Hóa, F'LC Tower, KCN Chấn Hưng – Vĩnh Phúc hay không?

Hãy nhìn cách F'LC bỏ của chạy lấy người ở Quảng Bình, hãy nhìn F'LC Quy Nhơn thành công ít nhiều để Quảng Ngãi quyết định cấp gần 4.000ha đất cho F'LC. Đừng vì “cái bánh bơ” của F'LC đưa ra để rồi hời hợt trong việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thì nguy.

Chưa biết F'LC đem đến lợi ích gì cho nhân dân Quảng Ngãi, nhưng lãnh đạo tỉnh huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung tháo gỡ những vướng mắc kể cả đồn biên phòng… để giao hàng ngàn ha đất cho F'LC. Vì sao Quảng Ngãi lại “tạo điều kiện” cho F'LC hết mức có thể như thế? Phải chăng vì những mối quan hệ xuyên đêm, hay vì áp lực của những chỉ đạo? Câu hỏi đặt ra ở đây là, ai đã chống lưng cho F'LC để tập đoàn này đi đến đâu chính quyền địa phương nơi ấy tuân theo râm rấp đến đấy? Liệu ông chủ F'LC có phải là Vũ Nhôm thứ hai – là cánh tay nối dài của đơn vị nào đó chăng? Hiện Vũ Nhôm bị cho vào lò, nếu không có vùng cấm thiết nghĩ Trịnh Văn Quyết sẽ không sống nhởn nhơ.

(Giáo dục Việt Nam/Người lao động)