Em hỏi thế có được không, thưa Bộ trưởng?
Chiều vào Quốc hội, tính tìm mấy ông ĐBQH thân quen, hỏi han mấy việc cho các đề tài đang quan tâm, nhưng bỗng dưng toàn thấy mấy gương mặt cũ, nhợt nhạt, tự nhiên cụt hứng. Chán, đi về!
Thường thì, đầu kỳ họp, các phóng viên QH vẫn còn tý hào hứng, hăm hở “săn” đại biểu hết góc nọ, tới góc kia với một đống câu hỏi trong đầu. Có rất nhiều chuyện thời sự, tích tụ từ nhiệm kỳ trước đến nay, đều có thể đem ra hỏi được. Và cũng có một số đại biểu cũng muốn tìm phóng viên để nói một chuyện gì đấy.
Nhưng công nhận là giờ tìm một đại biểu thực sự công tâm, để nói thẳng thắn, thể hiện quan điểm về một câu chuyện nào đó, là không dễ dàng. Tuy nói Quốc hội ta không có “cánh tả”, “cánh hữu”…nhưng thực tế, có khi, mỗi ông, bà lại đại diện cho một “nhóm” nào đó. Nếu như một phóng viên biết được ĐB đó có những mối quan hệ thế nào, cứ hăm hở tìm bất cứ ai để hỏi, thường dễ thất bại.
Ví dụ như một ông đại biểu, nhờ quan hệ mà bố trí được cho ông con trai được ngồi ở một vị trí tốt, vụ phó hay chuyên viên chính trên Văn phòng Chính phủ mà phóng viên lại định hỏi ông ý đánh giá về một chính sách bất hợp lý của Chính phủ mới ban hành, thường thì có khi ông ấy sẽ nhướng mắt lên hỏi: Cậu hỏi thế là có ý gì? Rồi quay ngoắt đi không trả lời!
Hay phỏng vấn một bà ĐBQH là lãnh đạo một doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp ấy lại thuộc Bộ Giao thông, PV không biết, lại đặt ra những câu hỏi: Theo chị, vừa rồi, bộ này xảy ra chuyện này mà ông Bộ trưởng lại nói thế, làm thế có hợp lý không? Đương nhiên, và ĐB đó hoặc không trả lời, hoặc trả lời theo kiểu bênh vực Bộ trưởng của mình.
Trong gần 500 đại biểu QH, có không nhiều những ĐB hoàn toàn vô tư, khách quan trước mọi vấn đề. Những chuyện gì chẳng liên quan đến mình, địa phương hay ngành của mình thì có thể nói khách quan, nhưng nếu là vấn đề mà phát biểu, biểu quyết khách quan lại đụng chạm đến địa phương, lĩnh vực của mình thì quên đi. Hoặc là chính ông trưởng đoàn, hoặc các ĐB cùng đoàn… sẽ nhắc ĐB đó: Anh nói thế thì chết….
Có những vị ĐBQH nói năng, phát biểu rất hùng hồn trên hội trường, ở các phiên họp tổ, báo chí, dân tình trên mạng xã hội có khi rất khoái nhưng chưa chắc ông ấy đã nói đúng. Mà có khi, ẩn sau những phát biểu đấy, lại là một quan điểm thiên lệch.
Ví dụ, ví dụ thôi nhé (có thể không phải là thật), một ông đại biểu nói rất gay gắt, thuyết phục về sự bất hợp lý của dự án Luật Đặc khu. Nhưng có khi, ông lại là người tư vấn cho một doanh nghiệp kinh doanh casino có vốn đầu tư nước ngoài hàng tỷ USD. Nếu Luật đặc khu được thông qua sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp này, thậm chí DN đó sẽ có nguy cơ bất lợi, thua lỗ.. Thì phía sau những phát ngôn nghe có vẻ rất khách quan, hùng hồn của ông, lại là một động cơ không mấy trong sáng.
Hay một ĐB có những động tác, những phát biểu rất gay gắt với một vị Bộ trưởng nọ. Nhưng có khi, chính ĐB đó cũng không hoàn toàn công tâm, khách quan với chính vị Bộ trưởng đó, khi ông ta đã có một hoạt động điều hành không hợp với ý muốn của ông, ông nhờ vả, thuyết phục mãi không xong.
Có những đại biểu, tham gia thường xuyên các hội thảo về chính sách thuế với kinh doanh bia, rượu, nước giải khát do một Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức, thì sau đấy, trên hội trường hay họp tổ, họ thường phát biểu theo ý muốn của đơn vị đó thôi: Là không nên tăng thuế thế này, thế kia.
Từ kỳ họp trước nữa, có lần giờ giải lao, sau phiên chất vấn vào QH, đứng gần một ông Bộ trưởng, thấy một đại biểu QH là Giám đốc một công ty thép qui mô cũng khá, tay chất vấn có vẻ xoắn, quay ra hỏi Bộ trưởng:
– Bộ trưởng thấy em hỏi thế có được không ạ?
Hóa ra, ông này được nhờ vả để chất vấn một vấn đề mà có vẻ như Bộ đó làm tốt, “mồi” để Bộ trưởng trả lời, nói hộ cho bộ trước bàn dân thiên hạ, bớt thời gian phải trả lời những vấn đề hóc búa.
Nên nói chung, vào Quốc hội giờ, để tìm những vị đại biểu thực sự công tâm, khách quan, không vì nhóm lợi ích nào giờ nó cũng khó lắm. Phải dụng công quan sát, tìm hiểu kỹ lai lịch ĐB, tích lũy kinh nghiệm qua nhiều kỳ họp, nhiều phiên họp mới có thể tìm đúng người mình mong muốn.
FB Mạnh Quân