“Đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà biệt phủ trái phép nhan nhản không ai thấy”
“Một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản lại không ai thấy”- đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) ví von khi Quốc hội thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp.
Thảo luận tại hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp sáng 13/11, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đánh giá: “Có lẽ đây là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Nhân dân tin tưởng hơn, còn thuyên giảm hơn thì chưa hiện rõ. Vì dư luận, báo chí hàng ngày đều nêu nhiều việc sai trái. Như tại kỳ họp này có đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản không ai thấy. Vậy cái đó là cái gì?”.
Theo ông Sơn, hãy lắng nghe lời ca thán của cử tri qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội: “Muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có “giá” cả. Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế”.
Vị đại biểu tỉnh Tiền Giang khẳng định đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Còn đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chia sẻ với ngành thi hành án dân sự về áp lực ngày một gia tăng do số việc thi hành án ngày càng cao. Trong đó, các vụ án tham nhũng với số tiền phải thi hành án rất lớn, có nguy cơ tồn đọng cao đang hiện hữu.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số tiền thi hành án xong cũng mới chỉ đạt 38,35% trên tổng số tiền có điều kiện. Nếu so với tổng số tiền mà tổng số án phải thi hành thì rất thấp.
Ông Xuyền dẫn chứng, trong 5 vụ án điển hình thi hành án trong năm qua gồm vụ Dương Chí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng. Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng, cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền cũng mới chỉ đạt 2%.
Ông Xuyền lý giải, việc kê biên, phong tỏa tài sản chưa nhiều so với tổng số tiền mà các vụ án này phải bồi thường. Tài sản kê biên chủ yếu là nhà đất có nhiều vướng mắc do không thống nhất được với số liệu của bản án và tài sản kê biên. Tài sản kê biên có tranh chấp lại phải nhờ, phải chờ tòa án giải quyết xong mới giải quyết được việc kê biên tài sản.
Hơn nữa, Quốc hội đã sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dung xử lý tài sản tăng thêm mà người kê khai không giải trình được nhưng đến nay Quốc hội cũng chưa có được đồng thuận cao một trong phương án của Chính phủ trình. Công tác quản lý tài sản của công dân chưa được chặt chẽ, đầy đủ, thiếu cơ chế quản lý, rất khó khăn trong việc xác minh, chứng minh nguồn gốc tài sản.
(Theo Dan Tri)