Dịch COVID-19: Từ quyết sách của Chính phủ, lan tỏa tính nhân văn, nơi nương tựa của dân trong mùa đại dịch

Cuộc chiến chống “gi.ặ.c dịch COVID-19” ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn á.c l.i.ệ.t hơn trước và đang ở “giai đoạn vàng” trong phòng chống, hạn chế lây nhiễm và t.ử v.o.ng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Trụ sở Chính phủ vào chiều 16/3.

Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu

Ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt phải thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng về tình hình dịch bệnh.

Từ đó đến nay cuộc chiến đấu với “giặc dịch” diễn ra ngày càng quyết liệt trong bối cảnh COVID-19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu” theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 17/3, Việt Nam ghi nhận 61 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 18 bệnh nhân nước ngoài. Tình hình mắc COVID-19 ở Việt Nam hiện tại chủ yếu vẫn là do các trường hợp xâm nhập từ bên ngoài.

Chính phủ Việt Nam coi vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân.

Điều này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 13/3).

Nhân viên sân bay Nội Bài phục vụ suất ăn miễn phí cho hành khách chờ khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm để phòng chống COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bên cạnh việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe. Cho đến nay, mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị… đều do Chính phủ gánh vác.

Khi Việt Nam trải qua 22 ngày không có ca mới mắc COVID-19 và toàn bộ 16 người bệnh đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đã có những ý kiến cho rằng cần đóng cửa cả với những người Việt trở về từ các vùng dịch.

Nhưng Chính phủ vẫn quyết định dang rộng cánh tay đón các công dân của mình từ các tâm dịch ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, dù biết như vậy là phải nỗ lực chống dịch hơn hàng chục, hàng trăm lần.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 16/3, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đón hơn 600 công dân Việt Nam trở về từ châu Âu qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đưa về cách ly tại Trường Quân sự để phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ yếu trong số này là sinh viên, người lao động đang sinh sống, làm việc và học tập tại các nước Hà Lan, Ba Lan, Đức, Anh…

Phát khẩu trang miễn phí cho người dân
Trong thời gian cách ly, những người mới trở về được trang bị chăn, màn, giường, chiếu. Tại khu vực sinh hoạt văn hóa có tivi, phòng tắm có bình nóng lạnh.

Hằng ngày họ được đội ngũ y, bác sỹ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt 3 lần cố định vào 9 giờ, 14 giờ và 21 giờ.

Chất lượng 3 bữa ăn mỗi ngày được cán bộ, nhân viên của đơn vị bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn, định lượng như đối với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị…

Nhà trường cũng bố trí một phòng cách ly riêng trong trường hợp có những người ho, sốt. Các công dân này sẽ được bác sỹ chăm sóc, theo dõi chuyên sâu.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức trao cho hơn 900 công dân giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tại Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Trung đoàn 59 (Sư đoàn Bộ binh 301).

Cơm và nhu yếu phẩm được trang bị miễn phí cho dân trong thời gian cách ly
Riêng trong sáng 16/3, ba chuyến bay gồm VN0054, VN0018, VN0036 chở theo 159 hành khách từ châu Âu đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Trong đó, chuyến bay VN0054, cất cánh từ London (Anh) chở theo 97 hành khách là công dân Việt Nam; VN0018, cất cánh từ Paris (Pháp) chở theo 43 hành khách là công dân Việt Nam; VN0036, cất cánh từ Frankfurt (Đức) chở theo 19 hành khách (18 công dân Việt Nam, 1 khách nước ngoài).

Khi máy bay hạ cánh, toàn bộ đội bay, hành khách, hành lý đi kèm được kiểm tra, giám sát y tế, khử trùng theo quy trình đặc biệt và đưa về cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh và một số khu vực theo quy định.

Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng chuẩn bị với tinh thần cao nhất để đón các chuyến bay từ châu Âu đưa người Việt Nam về nước trong dịp này.

Các điểm được xác định tổ chức cách ly khi đón người từ những chuyến bay này về nước đã được bố trí chu đáo, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như các điều kiện môi trường tốt nhất, mang lại tâm lý thoải mái cho những người được cách ly tại đây.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao từ tháng 2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đón các chuyến bay từ những điểm nóng của dịch COVID-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, đưa hàng trăm công dân Việt Nam, trong đó có những cháu nhỏ mới 2 tháng tuổi, về nước an toàn qua sân bay Vân Đồn.

Tính từ thời điểm khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 1/2020 đến nay, Quảng Ninh đã đón và cách ly tập trung 2.302 người; cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế 422 người.

Cùng với việc bố trí chỗ ở đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cá nhân thuận tiện cũng như đảm bảo các điều kiện về cách ly theo quy định của ngành y tế, tỉnh đã thực hiện miễn phí toàn bộ các chi phí gồm xét nghiệm, cung cấp 3 bữa ăn trong ngày, bố trí phương tiện đưa người sau cách ly trở về nơi cư trú.

Chính sách ưu đãi này được thực hiện đồng bộ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài khi có mặt tại các cơ sở cách ly trên địa bàn Quảng Ninh. Về chi phí điều trị đối với bệnh nhân COVID-19, nếu là người Việt Nam được miễn phí toàn bộ.

WHO và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thực hiện kịp thời các giải pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu chống dịch và ưu tiên trên hết cho việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Về và ở lại!

Khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới kiểm soát hoặc đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lan rộng, những công dân trong thời toàn cầu hóa phải đối mặt với một quyết định khó khăn: về hay ở lại, và địa chỉ mà mọi người đều muốn hướng đến trong mùa dịch đó là Việt Nam.

Đầu tháng này, “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn thuê chuyên cơ để đưa con gái đang sống ở Anh về Việt Nam chữa trị thay vì tự cách ly ở nhà tại nước Anh theo yêu cầu của giới chức sở tại. Giải thích cho quyết định này, người đại diện truyền thông của gia đình cho biết ông Jonathan Hạnh Nguyễn và vợ rất lo cho con, đồng thời rất tin tưởng vào hệ thống y tế chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc, nhiều công dân của nước này đã chọn giải pháp gia hạn visa ở Việt Nam để tránh dịch. Cụ thể, theo thông tin từ các đơn vị làm dịch vụ visa cho người nước ngoài tại Đà Nẵng, số người Hàn Quốc đến làm thủ tục gia hạn visa tăng mạnh thời gian gần đây.

Trên các diễn đàn expat (công dân quốc tế) ở Việt Nam, nhiều người nước ngoài nói với nhau giờ ở lại Việt Nam an toàn hơn về những quốc gia như Mỹ và châu Âu, đồng thời khen công tác phòng chống dịch của Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều tổ chức, chuyên gia thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh.

Mới đây, đại diện WHO ở Việt Nam đánh giá cao chiến lược “4 tại chỗ” (điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, cách ly tại chỗ và vật tư tại chỗ) và nguyên tắc cách ly của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh.

Về điều kiện cách ly áp dụng đối với những người có lịch sử đi lại từ vùng dịch, thượng tướng Trần Đơn – thứ trưởng Bộ Quốc phòng – đã khẳng định người bị cách ly được chăm sóc chu đáo từ ăn ở đến trang bị các vật dụng cho sinh hoạt thường ngày.

Việt Nam cũng miễn phí chi phí cách ly tập trung đối với tất cả mọi người, không phân biệt quốc tịch. Có lẽ vì sự chu đáo này mà nhiều người nước ngoài thuộc diện cách ly đã gửi lời cảm ơn đến Việt Nam.

Về để có được cảm giác chở che, ở lại vì thấy được sự an toàn. Chọn Việt Nam hay cảm ơn Việt Nam cũng là bình thường thôi, bởi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam hiệu quả, chuyên nghiệp với “đỉnh cao” là tinh thần phòng và chống dịch lên rất cao trong nhân dân. Ẩn chứa sau tinh thần phòng chống dịch ấy chính là niềm tin của người dân vào các quyết sách chống dịch. Đấy chính là bài học quý giá nhất mà chúng ta phải lưu lại để vận dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội khi dịch COVID-19 đi qua.

Có thể khẳng định đây mới chỉ là những tín hiệu ban đầu từ các quyết sách kịp thời và đầy trách nhiệm của Chính phủ nhằm diệt “giặc dịch” đã làm đâm chồi nảy lộc từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân những hành động nhân văn cao cả./.

Tổng hợp